Neon là giống cá có nhiều loại khác nhau có đặc tính bơi đàn nên khi nuôi sẽ tạo nên hiệu ứng rất đẹp mắt cho bể thủy sinh. Tuy nhiên, để nuôi được đàn cá mạnh khỏe và đẹp chuẩn màu tự nhiên không phải là điều dễ dàng. Vậy cách nuôi cá neon như thế nào để đạt được những điều này, nuoitrong.com sẽ bật mí với bạn ngay trong nội dung dưới đây.
Giới thiệu về cá neon
Neon tên khoa học là neon tetra, chủ yếu phân bố ở Nam Mĩ, phát hiện vào năm 1934 trên các con sông trong rừng Amazon. Đây là loài cá kích thước nhỏ, khi trưởng thành chỉ đạt tối đa khoảng 3 – 5cm.
Số đông dân chơi cá cảnh đều thích cá neon bởi khả năng phát quang trên thân cá và các sọc lấp lánh bắt mắt. Vẻ đẹp này khi nuôi thành đàn trong bể thủy sinh mang đến cho thị giác người ngắm bể cảm giác như đang đứng trước bầu trời lấp lánh ánh đèn neon mini.
Không những thế, neon còn là loài cá sống theo đàn ôn hòa, sống ở tầng giữa nên nuôi chung được với rất nhiều loài cá.
Cá neon có dễ nuôi hay không
Cách nuôi cá neon dễ hay khó còn tùy vào nhiều yếu tố. Nếu còn kỹ thuật và thực hiện đúng thì việc nuôi cá không hề gian nan, ngược lại thì rất dễ nói lời chia tay với những chú cá mà bạn đã cất công lựa chọn.
Bản thân cá neon rất nhạy cảm với môi trường nước nên chỉ cần một chút thay đổi thôi đã ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt và dễ gây bệnh cho cá rồi. Thêm nữa, sự thay đổi có liên quan đến hóa chất, đến nhiệt độ trong bể cũng dễ khiến cá bị sốc và ra đi.
Những hệ lụy này rất dễ gặp ở các bể cá mới, khi người chơi chưa biết cần ổn định môi trường nước cho cá thì mới thả cá vào bể khiến cho cá càng dễ chết. Khi bể cá đã ổn định được 2 – 3 tháng trở lên thì việc thả thêm cá vào bể lại vô cùng đơn giản.
Cách nuôi cá neon
Với những người mới bắt đầu cuộc chơi cá cảnh thì việc nuôi được đàn cá neon lên màu đẹp và khỏe khoắn là điều không hề dễ dàng, đây cũng là lí do nhiều người đã từ bỏ neon để dành tình yêu cho cá bảy màu. Vì thế biết cách nuôi cá neon là điều rất quan trọng để tình yêu với những chú cá này luôn bất diệt.
3.1 Chọn bể nuôi cá
Cá Neon bơi theo đàn nên rất thích sống trong không gian rộng rãi. Vì thế khi xác định nuôi cá này bạn cần chuẩn bị bể có dung tích tối thiểu là 70l nước. Bể cần có môi trường sạch sẽ và giàu oxy.
Do xuất phát điểm của loài cá này ở Nam Mỹ nên việc thiết kế môi trường nước phù hợp với điều kiện sinh sống tự nhiên của cá là rất quan trọng. Nếu không đáp ứng đúng tiêu chuẩn về môi trường sống cá dễ bị nhạt màu, sinh sản kém và chết.
Vì thế, cách nuôi cá neon khỏe mạnh là cần đảm bảo môi trường nước trong bể với nhiệt độ khoảng 20 – 26 độ C, độ pH 5 – 7 và độ cứng 5 – 20. Bể cần ánh sáng vừa nhưng cần được lọc nước nhiều. Nếu bể mới setup thì trước khi thả cá vào bể cần chạy nước sủi oxy để khử hết clo trong 1 tuần rồi mới đi mua cá.
Mặc dù cá neon bơi ở tầng giữa nhưng chất nền của bể rất quan trọng với loài cá này. Khi thiết kế nền bể cá cần chú ý tránh dùng cát Aragonit vì có thể làm tăng nồng độ pH của nước.
3.2 Lựa chọn bộ lọc bể cá
Lựa chọn bộ lọc cũng là phần không nên bỏ qua để biết cách nuôi cá neon khỏe mạnh. Bạn cần chọn một bộ lọc sao cho phù hợp với thể tích của bể mà vẫn xử lý tốt các chất thải do cá và vi sinh vật thải ra, xử lý được phần thức ăn dư thừa phân hủy.
Đối với việc thiết kế bộ lọc bạn cũng cần chú ý đến chất lượng của vật liệu lọc và kích thước ngăn chứa vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xử lý nước của bộ lọc. Vật liệu lọc của bộ lọc đa dạng sẽ giúp tạo nên nhiều chủng vi sinh tốt cho bể cá.
Ngoài ra, hệ thống xử lý nito cũng rất cần thiết. Nhờ sự có mặt của hệ thống này mà khí thải, cặn bã độc hại sẽ được loại bỏ, tránh được nguy cơ khiến cá neon bị ngộ độc.
3.3 Các bước thả cá neon vào bể
Như đã nói ở trên, nếu không nắm vững cách nuôi cá neon thì đơn giản chỉ là cách thả cá vào bể bị sai cũng sẽ khiến bạn sớm chia tay với chú cá của mình. Để cá làm quen tốt với môi trường bể mới bạn nên lưu ý thực hiện các bước thả cá như sau:
– Bước 1: chuẩn bị trước một bể không dùng đến, đựng trong đó lượng nước chiếm 2/3 thể tích bể.
– Bước 2: thả lá bàng khô đã được rửa sạch vào trong bể, ngâm khoảng 3 – 4 ngày đến khi nước chuyển sang màu vàng đậm thì cho thêm nắm muối hạt vào.
– Bước 3: cho cá neon mua về thả vào trong bể này để nuôi trong khoảng 1 tháng rồi cho vào bể thủy sinh.
3.4 Thức ăn cho cá
Cá neon không quá cầu kỳ về thức ăn. Thực phẩm mà chúng thích nhất là giun, tảo, ấu trùng, động vật không xương sống có kích thước nhỏ, loăng quăng,… Dù là thức ăn gì cũng nên cắt thành các miếng thật nhỏ vừa miệng cá.
Khả năng hoạt động của cá rất tốt nên cách nuôi cá neon là cần chú ý nạp nhiều năng lượng cho cá. Khi cá còn nhỏ mỗi ngày nên cho ăn 3 lần đến khi trưởng thành có thể giảm xuống 1 lần/ngày nhưng lượng thức ăn cho mỗi lần chỉ nên đủ để cá ăn hết trong 3 phút. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp cá tránh được tình trạng bội thực do ăn quá nhiều.
3.5 Vệ sinh bể cá
Nguồn nước sạch, giàu oxy hòa tan là môi trường rất tốt để cá neon sinh sống. Vì thế cần chú ý vệ sinh bể kết hợp thay nước định kỳ để cá có môi trường sạch, tốt cho sức khỏe, nếu nước bẩn và không đáp ứng chất lượng màu sắc của cá sẽ mờ nhạt, cá trở nên yếu ớt và dễ bị chết.
2 tuần/lần bạn nên thay nước cho bể cá. Mỗi lần thay chỉ lấy bớt 1/3 lượng nước trong bể chứ không thay hết vì như vậy cá sẽ phải thay đổi môi trường đột ngột nên dễ bị sốc, sức khỏe yếu đi. Đây là điều mà những người mới chưa biết cách nuôi cá neon dễ phạm phải sai lầm. Nước mới cần được loại bỏ hết khí clo rồi mới thay vào bể. Sau khi thay nước nhỏ vài giọt thuốc tím sẽ giúp khử khuẩn cho nước.
Các phụ kiện dùng trong bể cá, ngay cả các bộ phận của máy lọc cũng cần được lần lượt lấy ra làm sạch vì đây chính là nơi bám lại của thức ăn dư thừa, rong rêu, cặn từ chất thải hàng ngày của cá,… Tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào để vệ sinh bể cá cũng như phụ kiện của bể vì chỉ cần một chút hóa chất thôi cũng khiến môi trường nước thay đổi đe dọa đến sự sống của cá rồi.
Chăm sóc sức khỏe cho cá
Hầu hết những người chưa biết cách nuôi cá neon cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho cá. Vì thế nên có không ít trường hợp nuôi được thời gian ngắn cá lần lượt ra đi, bị biến đổi màu sắc theo hướng nhợt nhạt,… Để tránh gặp tình trạng này bạn nên đặc biệt lưu tâm đến một số bệnh lý ở cá neon sau đây:
4.1 Bệnh nấm
Chất lượng nước là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc cá mắc bệnh. Khi nước bị ô nhiễm, bào tử nấm sẽ lơ lửng trong nước và bám vào người cá. Ngoài ra, cá bị stress cũng dễ mắc bệnh này. Đây là bệnh nguy hiểm có thể khiến cá bị kiệt sức và chết rất nhanh.
Có nhiều loại thuốc đặc trị nấm cho cá neon hoặc dùng muối hột cũng có tác dụng tốt. Cách trị bệnh gồm thay nước hàng ngày để loại bỏ dần mầm bệnh kết hợp với dùng muối hột bỏ vào bể để sát trùng. Bên cạnh đó bạn cũng cần dùng sưởi tăng dần nhiệt độ của cá lên cho đến khi đạt 30 độ C thì dừng. Cứ để nhiệt độ đó một thời gian, bào tử nấm sẽ tự rơi rụng khỏi người cá.
4.2 Bệnh Neon Tetra
Đây là bệnh phổ biến mà nhiều người chưa biết cách nuôi cá neon gặp phải, dễ làm ảnh hưởng đến những loài cá khác sống chung. Bệnh do Pleistophra hyphessobryconis gây ra và lây truyền khắp bể cá.
Cá bị bệnh neon tetra sẽ mất màu, bơi kém hoặc tách ra khỏi đàn, xương sống bị cong, có u nang trên thân mình. Hiện vẫn chưa có thuốc nào trị được bệnh lý này cho cá. Vì thế, khi phát hiện cá nhiễm bệnh cần tách ra khỏi bể và thực hiện biện pháp phòng ngừa cho số cá còn lại bằng cách thay nước hàng ngày.
Nuôi cá neon sinh sản
Thực tế hiện nay đã có không ít người biết cách nuôi cá neon sinh sản thành công. Nếu bạn cũng có mục đích này thì nên chú ý:
– Nuôi thành từng cặp cá đực cái vào bể riêng, mỗi cặp chỉ cần sống trong bể dung tích 10 lít là được.
– Đặt bình xịt tạo ra dòng chảy tối thiểu vào trong bể và đậy nắp lại vì giai đoạn sinh sản cá rất hay nhảy.
– Sử dụng tấm chắn bằng giấy bên trên bể để giảm ánh sáng chiếu vào bể, duy trì nhiệt độ nước khoảng 25 độ C.
– Trong bể cần có rêu vì đây chính là nơi cá cái đẻ trứng.
– Các cặp cá đực cái cần được nuôi và ăn thức ăn thô riêng trong 2 tuần đầu trước khi chúng sinh sản.
– Ban đêm nên tắt điện bể cá vì sáng sớm thường là thời điểm cá sinh sản, cá đực thụ tinh và tạo ra 100 trứng.
– Hạ mực nước trong bể còn khoảng 7 – 10cm để cá không bị trầu xước.
– Sau khi cá đẻ trứng thì có thể tách bố mẹ ra riêng để tránh tình trạng trứng bị cá bố ăn. Khoảng 4 – 5 ngày sau trứng sẽ thành ấu trùng và 3 ngày sau đó nữa là thành cá con.
Cá neon nên nuôi chung với loài cá nào
Cá neon có đặc tính sống theo bầy, dễ bị cá lớn tấn công vì chúng rất hiền lành. Do đó cách nuôi cá neon sống chung được với loài cá khác là chọn cá loại cá có đặc tính ôn hòa giống như loài cá này, điển hình như: cá mún, cá bảy màu, cá chuột, cá bút chì, cá ngựa vằn, cá tiểu hổ,…
Không nuôi cá neon chung với các loài cá hiếu chiến, kích thước lớn như: cá ali, cá betta, cá vàng to, cá thần tiên,… vì chúng sẽ tấn công, bắt nạt và thậm chí còn ăn thịt cá neon. Hạn chế nuôi cá neon lẻ vì chúng có tập tính sống đàn, nếu nuôi lẻ cá dễ bị stress và núp vào hốc đá chết.
Cá neon giá bao nhiêu và mua ở đâu uy tín?
Nếu bạn đã nắm vững các cách nuôi cá neon và chưa biết mức giá bán cũng như địa chỉ để mua cá thì bạn có thể tham khảo một số thông tin sau:
7.1 Cá neon giá bao nhiêu?
Trung bình hiện mỗi con cá neon đang được bán trên thị trường với giá khoảng 7.000 – 40.000 đồng tùy từng cửa hàng và kích thước cá, loài cá mà bạn chọn. Không có mức giá thống nhất ở từng cửa hàng, từng địa phương. Giống cá càng quý hiếm, càng đẹp thì giá bán càng đắt.
7.2 Mua cá neon ở đâu uy tín?
Để mua cá neon về chăm bạn có thể ghé một số địa chỉ:
– Tại Hà Nội:
+ Cá cảnh Tuấn Phong: 107 Thiên Hiền, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm – 0946669698.
+ Cá cảnh Thái Hòa: 545, Hoàng Hoa Thám, P. Vĩnh Phúc – 02463278080.
+ Mây Aqua: 337 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân – 0961774494.
– Tại Tp. Hồ Chí Minh
+ Cá cảnh thủy sinh Trung Tín: 789 Trường Chinh, P. 5, Q. Tân Bình – 0909816646.
+ Cá Cảnh Sài Gòn WorldFish: 710 Trường Chinh, P.15, Q. Tân Bình – 0935498284.
+ SG Aqua: 16 Đ. Cộng Hòa, P. 13, Q. Tân Bình – 0388 475 951.
Lời kết
Tất cả cách nuôi cá neon trên đây đều khá chi tiết và dễ thực hiện cho những người mới nhập môn. Mong rằng thông tin đó đủ để vun đắp thêm đam mê và quyết tâm nuôi cá cho bạn. Sự kết hợp của các yếu tố này, thêm chút cẩn thận và chờ đợi nữa thì không gian gia đình bạn sẽ sớm có được một bể cá lấp lánh, ai ngắm nhìn cũng xuýt xoa trầm trồ.