Cá sặc gấm được nhiều dân chơi cá cảnh yêu thích bởi ngoại hình nhỏ xinh, màu sắc sặc sỡ, bản tính hiền lành và dễ nuôi. Trong bài viết hôm nay, Nuoitrong.com sẽ chia sẻ tới bạn đọc những điều cần biết về cá sặc gấm cũng như cách nuôi loài cá này hiệu quả nhất. Mời bạn cùng theo dõi!
Giới thiệu về Cá Sặc Gấm
Cá sặc gấm còn có tên gọi khác là cá sặc lửa, thuộc họ Osphronemidae, chi Trichogaster. Cá sặc gấm có nguồn gốc từ Nam Á, khu vực Bangladesh, miền Bắc Ấn Độ và Pakistan. Hiện tại thì loài cá này đã được phân bố rộng rãi, xuất hiện ở mọi quốc gia trên thế giới.
Sặc gấm thích sống trong các vùng đất ngập nước, ruộng lúa, sông suối, các kênh tưới tiêu, những nơi có thảm thực vật bậc thấp dày đặc. Đây là loài cá dễ nuôi, sống khỏe, ít bệnh tật và có tuổi thọ cao. Trong môi trường tự nhiên cá có thể sống tới 10 năm. Còn nếu nuôi trong bể kính được chăm sóc tốt thì tuổi thọ của cá có thể lên tới 5-7 năm.
Cá sặc gấm có hình dáng oval, khi trưởng thành có chiều dài khoảng 8,8cm. Màu sắc của cá sặc sỡ, phổ biến nhất là màu xanh pha nâu. Trên cơ thể được chia thành từng vạch màu thường là xanh lam, đỏ, lục khiến cá càng lung linh và phát sáng mỗi khi bơi lội dưới nước.
Một điểm đặc trưng của sặc gấm mà ít loài cá nào có được đó là ngoài việc hô hấp bằng mang thì sặc gấm còn có 1 cơ quan hô hấp phụ là hệ thống Labyrinth. Đây là cơ quan được hình thành bởi sự giãn nở mạch máu của xương tại vòm, giúp cá dễ dàng lấy oxy trực tiếp từ không khí.
Hiện nay trên thị trường, cá sặc gấm được nuôi bán nhiều nên giá thành của chúng khá rẻ, chỉ từ khoảng 5.000 đến 15.000 đồng.
Ý nghĩa của Cá Sặc Gấm trong phong thủy
Cá sặc gấm mang màu sắc sặc sỡ, ngoại hình đẹp mắt, bơi lội linh hoạt nên có ý nghĩa tượng trưng cho sự tài lộc, phú quý. Nuôi những chú cá này trong nhà sẽ giúp gia chủ nhận được nhiều may mắn, có thêm các mối quan hệ tốt đẹp.
Bên cạnh đó, cá sặc gấm còn có tác dụng ngăn chặn hung khí, giúp gia chủ tránh được những mạo hiểm, rủi ro không đáng có trong cuộc sống. Cá phù hợp với mọi đối tượng, mọi độ tuổi chính vì thế, càng ngày càng có nhiều người lựa chọn sặc gấm để nuôi làm cảnh.
Cách nuôi Cá Sặc Gấm
Nhìn chung cá sặc gấm không quá khó nuôi vì cá có sức sống khỏe, khả năng đề kháng tốt, ít bị bệnh và tuổi thọ cao. Tuy nhiên, để cá sinh trưởng và phát triển tốt, có màu sắc tươi sáng nhất thì bạn vẫn cần áp dụng đúng các kỹ thuật nuôi cá mà Nuoitrong.com hướng dẫn dưới đây.
3.1 Chọn cá sặc gấm
– Trước tiên, để mua được những chú cá chất lượng cao thì bạn cần chọn những cơ sở bán cá cảnh uy tín, có thương hiệu, được người dùng đánh giá cao. Giá bán ở đây có thể cao hơn một chút nhưng bạn sẽ không lo mua phải cá thải, cá bệnh, cá kém chất lượng.
– Tiếp đến, bạn cần quan sát thật kỹ để chọn được những chú cá khỏe mạnh. Nên quan tâm đến ngoại hình của cá, lựa những con cá đẹp, da trơn bóng, các lớp vảy to đều, màu sắc sắc nét. Đặc biệt trên thân cá không được có những dấu hiệu bất thường như dị dạng, xước da, loang màu hay có các chấm đỏ hoặc trắng trên da.
– Dáng bơi của cá cũng quyết định đến sức khỏe của chúng. Cần chọn những con cá bơi khỏe, dáng bơi thẳng, giữ được cơ thể thăng bằng tốt mỗi khi bơi. Khi có tiếng động hoặc nhìn thấy người lạ, cá phải có phản xạ nhanh. Tuyệt đối không chọn những chú cá hở mang, bơi xiêu vẹo, lờ đờ.
3.2 Bể nuôi cá
Bể nuôi cá sặc gấm bạn có thể chọn làm từ chất liệu nhựa, kính, xi măng… Để đảm bảo tính thẩm mỹ thì nên sử dụng bể thủy tinh. Trong bể nên trang trí cây thủy sinh, gỗ lũa, đá sỏi, hang động để làm nơi trú ẩn cho cá. Bể cần có nắp đậy bên trên, không gian rộng rãi cho cá bơi lội thoải mái.
Môi trường nước là tiêu chí quan trọng trong quá trình nuôi cá cảnh. Khi nuôi sặc gấm, bạn phải đảm bảo môi trường nước luôn sạch sẽ, tinh khiết, không bị ô nhiễm. Nhiệt độ thích hợp cho cá phát triển tốt trung bình khoảng từ 25-26 độ C, độ PH từ 6-8 độ, còn độ cứng của nước khoảng từ 5-20.
Nếu bạn ở miền Bắc khi vào những đợt hè thời tiết quá nắng nóng, thì có thể chuyển bể cá đến những khu vực râm mát, tránh nhiệt độ cao quá sẽ làm cá sốc nhiệt và chết.
3.3 Lựa chọn bộ lọc bể cá
Mặc dù cá sặc gấm dễ thích nghi với mọi môi trường nước nhưng bạn cũng không thể bỏ qua bộ lọc bể cá. Những lợi ích mà bộ lọc mang lại vô cùng cần thiết như:
– Giúp làm sạch nguồn nước, đảm bảo nước tinh khiết, sạch sẽ hơn.
– Loại bỏ nhiều thành phần trôi nổi trong bể như cặn bã, thức ăn thừa, phân cá.
– Làm giảm các hợp chất độc hại đến cho cá cũng như không khí xung quanh.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bộ lọc, tùy theo nhu cầu, sở thích và điều kiện kinh tế mà bạn có thể chọn một trong những sản phẩm dưới đây:
+ Máy lọc đáy (lọc dưới đáy bể)
+ Máy lọc mút (lọc sử dụng bông mút)
+ Máy lọc thác (lọc tạo dòng thác nước)
+ Máy lọc thùng (lọc ngoài bể)
+ Máy lọc tràn (hệ thống lọc kết hợp)
+ Máy lọc chìm (lọc trong bể)
3.4 Cách thả cá vào bể
Đơn giản chỉ là bước đưa cá vào bể mới sau khi mua cá về tuy nhiên bạn cần thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo cá không bị căng thẳng, không bị sốc nước, nhanh thích nghi với môi trường sống mới.
– Bước 1: Sau khi mua được cá bạn cần nhanh chóng di chuyển về nhà càng sớm càng tốt. Trước khi thả cần tắt hết đèn chiếu sáng trong bể để giảm stress cho cá. Cá sặc gấm sợ ánh sáng mạnh nên sẽ bị khó chịu khi thấy đèn chiếu sáng.
– Bước 2: Cho cá làm quen với nhiệt độ nước trong bể bằng cách để nguyên cá trong túi rồi đặt trên mặt bể để thả trôi túi cá khoảng 15 đến 20 phút.
– Bước 3: Dùng một chiếc cốc sạch múc nước trong bể đổ vào trong túi cá sao cho lượng nước bể và lượng nước trong túi cá cũ là 50:50. Tiếp tục thả trôi 15 phút nữa cho cá thích nghi hoàn toàn.
– Bước 4: Tiến hành thả cá từ túi ra bể, thực hiện nhẹ nhàng để cá không bị hoảng sợ. Thả xong cần theo dõi cá thật kỹ để nắm được mọi tình hình của cá.
3.5 Thức ăn cho cá sặc gấm
Cá sặc gấm ăn tạp và khá dễ tính trong vấn đề ăn uống. Chúng có thể ăn đủ các thể loại thức ăn như giáp xác nhỏ, tảo biển, rong rêu, côn trùng, lăng quăng, trùn chỉ, thức ăn sẵn dạng mảnh hay dạng viên…
Bạn cần đảm bảo nguồn thức ăn cá ăn sạch sẽ, không bị nhiễm tạp chất, nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm. Đồ ăn nên mua ở những cơ sở uy tín, có thành phần và hạn sử dụng rõ ràng.
Cho cá ăn đúng giờ, đúng bữa với lượng thức ăn vửa đủ, tránh gây dư thừa thức ăn sẽ làm bẩn nguồn nước, gây ra nhiều bệnh ở cá. Bạn cũng cần giữ được cân bằng giữa chất xơ và protein trong chế độ ăn uống của cá. Bên cạnh thức ăn chính thì nên bổ sung một số loại rau cho cá như rau diếp, rau bina…
3.6 Vệ sinh bể cá sặc gấm
Trung bình cứ 1 – 2 tuần bạn cần phải thay nước trong bể cá 1 lần và vệ sinh bể sạch sẽ để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá.
Việc vệ sinh bể cá sặc gấm không quá phức tạp, bạn chỉ cần làm theo những hướng dẫn dưới đây:
– Bước 1: Tháo bớt nước trong bể cá đi, giữ lại 1/4 lượng nước trong bể. Nhấc bộ lọc ra dùng bàn chải vệ sinh sạch sẽ mọi ngóc ngách.
– Bước 2: Lau chùi toàn bộ đồ trang trí, đá sỏi trong bể. Đây là những khu vực bám nhiều thức ăn thừa và chất thải nhất, nếu không vệ sinh sạch thì sẽ là nguồn gây bệnh cho cá.
– Bước 3: Dùng khăn sạch lau xung quanh thành bể cá mặt trong và ngoài. Nếu bể bị bám rong rêu thì có thể dùng bàn chải để chà mạnh.
– Bước 4: Sau khi hoàn thành các bước trên bạn sẽ bơm thêm nước vào bể cá và tiến hành thả cá lại vào bể. Theo dõi cá xem có biểu hiện gì khác thường để xử lý.
Bệnh thường gặp và cách xử lý
Cá sặc gấm cũng giống như những loài cá cảnh khác, rất dễ mắc phải một số căn bệnh phổ biến sau:
4.1 Bệnh bạch vân
Bệnh này hay xuất hiện khi thời tiết bắt đầu chuyển vào mùa mưa, nhiệt độ nước thay đổi làm cá bị côn trùng lông Kostia hoặc trùng roi Chilodonella piscicola ký sinh tấn công. Khi bị bệnh trên cơ thể cá sẽ có các đốm nhỏ hình đám mây, dần dần loang ra toàn thân.
Cách điều trị: Khi phát hiện cá bị bệnh bạn tách riêng cá ra tránh lây lan sang các con khác. Pha muối cùng nước lọc tỷ lệ 1 muối : 3 nước để tắm cho cá liên tục trong 3-5 ngày hoặc đến khi cá khỏi bệnh.
4.2 Bệnh sán lãi
Đây cũng là căn bệnh cá sặc gấm hay gặp. Nguyên nhân là do giun sán ký sinh trong ruột cá gây nên. Khi cá bị sán lãi sẽ có biểu hiện cá yếu, lớn chậm, lờ đờ, chán ăn.
Để điều trị bạn sẽ sử dụng thuốc đặc trị BENDAVI hay DOBEN liều 100 g/100 kg thức ăn trộn cùng thức ăn rồi cho cá ăn trong 3 ngày liên tục.
4.3 Bệnh Exophthalmia
Bệnh Exophthalmia hình thành do vấn đề vệ sinh bể của bạn không đều đặn làm cá bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Trong trường hợp nặng cá có thể bị nổ mắt vì đục thủy tinh thể. Cá nhiễm bệnh này thường có biểu hiện xuất huyết bên trong, nổi u hoặc nổi nhiều đốm đen trên cơ thể.
Để chữa bệnh Exophthalmia bạn cần vệ sinh và thay nước trong bể đều đặn. Đồng thời kết hợp dùng thuốc sát khuẩn và thuốc tím để tắm cho cá cho tới khi cá khỏi bệnh.
Với những thông tin ở trên, Nuoitrong.com hy vọng đã cung cấp đầy đủ kiến thức bổ ích về cá sặc gấm tới bạn đọc. Từ đó giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi loài cá này, để sớm sở hữu những đàn cá khỏe mạnh, đẹp mắt, tạo nên không gian tươi mới, tinh tế cho ngôi nhà. Chúc bạn thành công!