So với nhiều giống cá cảnh khác thì cá tứ vân có mức giá khá mềm mà lại dễ chăm sóc. Không những thế, loài cá này còn sở hữu vẻ đẹp riêng độc đáo với 4 đường vân sọc đẹp mắt trên thân và tập tính bơi theo đàn khá hiếu động. Vì thế, với những ai mới lần đầu nhập môn cá cảnh thì đây là một sự lựa chọn thú vị. Nếu bạn đang bắt đầu và băn khoăn về cách nuôi, cách chăm sóc cá tứ vân, bài viết dưới đây của nuoitrong.com đảm bảo sẽ rất có ích với bạn.
Giới thiệu về Cá Tứ Vân
Cá tứ vân còn có tên gọi khác là cá xecan, cá đòng đong bốn sọc. Đây là loài cá xuất phát từ vùng khí hậu nhiệt đới, hiện phân bố và có mặt nhiều ở một số nước Đông nam Á trong đó có nước ta. Tập tính của cá là hiếu động và sống theo đàn. Cũng vì thế mà nó dễ bắt nạt các loài cá có kích thước bé hơn.
Thân hình của loài cá này có dáng ovan, khi trưởng thành có thể đạt kích thước 4 – 10cm tùy theo điều kiện sinh sống. Đặc trưng của cá tứ vân là 4 sọc đứng ở thân, thường là màu đen, màu sắc thân cá đậm nhạt khác nhau tùy theo sắc tố của từng con cá. Phần góc vây và mũi cá có màu đỏ.
Do đặc tính sống bầy đàn nên với những bể thủy sinh muốn nuôi loài cá này tốt nhất nên mua tối thiểu 5 con vì ít hơn cá dễ bị bỏ ăn và stress.
Giá bán cá tứ vân trên thị trường hiện dao động ở khoảng 6.000 – 15.000 đồng/cặp tùy theo kích thước. Cá càng lớn thì mức giá bán càng cao hơn nhưng về cơ bản thì mức giá này tương đối rẻ nên nếu muốn sở hữu cho mình vài chú cá vân là điều quá dễ dàng.
Các loại Cá Tứ Vân phổ biến
Cá tứ vân có nhiều loại, mỗi loại đều có một vẻ đẹp riêng độc đáo. Tùy vào sở thích của mình mà bạn có thể lựa chọn loại cá phù hợp để nuôi:
2.1 Cá tứ vân vàng
Khác với cá tứ vân thường, cá tứ vân vàng ở phần thân có màu trắng vàng là màu chủ đạo. Các sọc trên thân cá có màu trắng. Loài cá này bơi rất hiếu động, rỉa vây nhiều nên không hợp để nuôi chung với cá chép, cá thần tiên, cá 3 đuôi,…
2.2 Cá tứ vân xanh
Thân hình cá tứ vân xanh có một màng vảy màu xanh, có những con hình thành lớp vảy xanh kín sọc vô cùng đẹp mắt.
2.3 Cá tứ vân Panda Mini
Ngoại hình của cá tứ vân Panda Mini khá giống cá tứ vân xanh nhưng đôi chỗ có màu trắng. Đây là giống cá hiếm nên giá cao hơn và cũng khó tìm hơn.
2.4 Cá tứ vân short
Điểm đặc biệt của cá tứ vân short là sắc đỏ cam đan xen cùng các sọc vằn tạo cho chúng có vẻ đẹp giống như loài hổ khi trưởng thành.
Cách nuôi Cá Tứ Vân đẹp tại nhà
Muốn cá tứ vân có sức khỏe tốt trong suốt giai đoạn phát triển của mình thì việc chọn giống rất quan trọng, nếu do không chú ý mà chọn phải cá nhiễm mầm bệnh thì sau đó việc khắc phục sức khỏe cho cá vừa khó khăn vừa dễ lây cho những loài cá khác. Cách chọn cá như sau:
3.1 Cách lựa chọn cá
Nên chọn mua cá ở những cửa hàng uy tín để được tư vấn kĩ lưỡng các thông tin về cá, giảm thiểu nguy cơ cá bị bệnh. Trong quá trình chọn cá, chú ý lựa những con cá còn hoạt động nhanh nhẹn, không có dấu hiệu mầm bệnh trong cơ thể, bể nuôi cá có chất lượng nước sạch để đảm bảo cá có sức khỏe tốt trước khi thả vào bể mới.
3.2 Chọn bể nuôi cá
Bể nuôi cá tứ vân nên có thể tích tối thiểu 100 lít để đủ không gian cho cá hoạt động thoải mái và phát triển tối đa. Chất lượng nước trong bể cá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của cá. Vì thế, mỗi lần thay nước cần chú ý loại bỏ hết khí Clo rồi mới thay. Khí này rất có hại đối với việc hít thở của cá.
Môi trường nước trong bể cá tốt nhất nên duy trì nhiệt độ trong khoảng 25 – 30 độ C, độ pH 6 – 7.5, độ cứng của nước 5 – 8.5. Bể nên có cây thủy sinh để có chỗ cho cá ẩn náu khi vào giai đoạn sinh sản và có nhiều rong rêu dưới đáy bể để cá đẻ trứng.
3.3 Lựa chọn bộ lọc bể cá
Chuẩn bị bộ lọc cho bể nuôi cá tứ vân là cần thiết bởi nó vừa tiết kiệm công sức vệ sinh bể cho bạn vừa tạo được môi trường nước hợp với hoạt động của cá. Bạn chỉ cần chọn bộ lọc có khả năng trung bình là được.
3.4 Các bước thả cá vào bể
Sau khi mua cá từ cửa hàng bạn cần cố gắng để cá vào môi trường bể mới càng sớm càng tốt vì điều này giúp cá thích nghi nhanh với môi trường mới hơn và giảm tình trạng stress. Các bước thả cá vào bể rất đơn giản:
– Bước 1: tắt hoặc giảm ánh sáng ở bể để cá không bị stress.
– Bước 2: để nguyên túi nilon đang đựng cá vào trong bể, cứ thả trôi như vậy khoảng 20 phút để có sự cân bằng nhiệt độ giữa nước bể cá với và nước trong túi.
– Bước 3: lấy một cái ca sạch, múc lượng nước trong bể bằng nước trong túi đựng cá sau đó mở túi và nhẹ nhàng đổ nước đó vào rồi đóng kín túi lại, để thêm 20 phút nữa cho cá quen với độ pH của nước mới.
– Bước 4: mở túi nilon ra để cá tự bơi vào bể.
3.5 Thức ăn cho cá
Cá tứ vân thuộc loài ăn tạp nên chúng có thể ăn cả thức ăn thực vật cả thức ăn động vật. Tuy nhiên, cần chú ý cân bằng dinh dưỡng để cá phát triển tốt và giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi cho cá ăn thì chỉ nên cho 30% lượng đạm còn lại cần bổ sung thêm các nguồn thức ăn giàu axit amin, chất béo, tinh bột,… Mỗi tuần nên luân phiên thay đổi loại thức ăn để cá có được sự đa dạng thực phẩm và chất dinh dưỡng.
3.6 Vệ sinh bể cá
Đảm bảo môi trường nước sạch là điều kiện cần để cá tứ vân khỏe mạnh. Do đó, mỗi tuần cần thay nước 2 lần, mỗi lần thay chỉ bỏ đi 50% lượng nước trong bể vì nếu thay toàn bộ nước cá rất dễ bị sốc nên bỏ ăn, trở nên yếu ớt.
Bệnh thường gặp và cách xử lý
Cá tứ vân cũng dễ mắc những bệnh thông thường ở các loài cá cảnh nên cần chú ý theo dõi, phát hiện bệnh và xử lý ngay từ sớm:
4.1 Bệnh nấm
Nấm bông, nấm tráng ăn mòn vây,… là tình trạng dễ gặp ở cá tứ vân, thường là do môi trường nước không đảm bảo vệ sinh. Dù vệt nấm nhiều hay ít và mức độ bệnh như thế nào thì vẫn cần xử lý ngay cho cá.
Đối với cá bị nấm, tốt nhất nên thay nước và tăng nhiệt độ nước lên sao cho đạt khoảng 30 độ C sau đó nhỏ thêm vào bể 10 giọt xanh methylen. Khi đã quen được với nhiệt độ này, dần dần cá sẽ khỏi bệnh. Nếu thấy cá nhạt màu thì nên kiểm tra lại cây thủy sinh, chất lượng nước và lượng oxy cần cho cá.
4.2 Bệnh lở loét
Đây là bệnh do nấm ký sinh nhưng chưa điều trị tốt. Khi bị nấm ký sinh tức là đã tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và làm cho cá bị lở loét. Điều trị càng sớm thì càng giảm tỉ lệ nhiễm, nếu đợi đến giai đoạn cá đã bị lở loét rồi thì khắc phục rất khó.
Để điều trị lở loét ở cá có thể tách cá bị bệnh ra một bể khác rồi dùng Abocin để ngâm với liều lượng: 1g/40 lít nước trong 24 – 48 giờ hoặc tăng liều lên gấp 2 – 3 lần và ngâm trong 40 phút. Mỗi đợt điều trị có thể ngâm liên tục 3 – 5 lần.
4.3 Bệnh đốm trắng
Khi cá tứ vân bị đốm trắng, cách đơn giản nhất là tăng nhiệt độ dần dần mỗi giờ 1 – 2 độ C cho đến khi cá thích nghi được nhiệt độ là 28 độ C thì dừng lại rồi pha thêm thuốc và muối ăn vào nước để tiêu diệt kí sinh trùng. Cứ làm như vậy cho đến khi cá khỏi bệnh.
Kết Luận
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ là nguồn thông tin hữu ích để bạn hiểu hơn về giống cá tứ vân cùng cách chọn, cách nuôi và chăm sóc loài cá này. Nếu bạn muốn có một khởi đầu đơn giản và không tốn quá nhiều công sức thì tin rằng cá tứ vân là một gợi ý xứng đáng, chỉ cần thực hiện đúng hướng dẫn và kiên nhẫn một chút, bạn sẽ sớm thấy được thành quả của mình là một bể cá vô cùng sống động và bắt mắt.