Dưa hấu là loại quả thuộc họ Cucurbitaceae hay hiểu đơn giản là cùng họ với bầu, bí, khổ qua. Dưa hấu không chỉ là loại trái cây giải nhiệt mà còn mang lại hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất chống oxy hóa, chứa vitamin C cùng nhiều tác dụng khác. Cùng Nuoitrong.com khám phá cách trồng và chăm sóc cây dưa hấu đạt hiệu quả cao nhé
Đặc điểm của cây dưa hấu
Cây dưa hấu được trồng từ hạt, khi lớn cây có chiều dài từ 1-2m, lá thuôn dài, từng phiến lá có hình bầu dục. Cây khi mới ra là có chiều dài khoảng 20mm, rộng khoảng 10mm, càng lớn mỗi phiến lá được chia thành nhiều thuỳ trông rất đẹp mắt.
Khi lớn lá có thể tiếp tục phát triển dài từ 10-15cm, rộng khoảng 7-12cm, màu xanh của lá cũng đậm dần và xuất hiện lông tơ khi cây lớn và cứng cáp hơn.
Hoa cây dưa hấu có màu vàng, mọc thành chùm ở vị trí nách của các tán lá. Vì dưa hấu là loại thực vật lưỡng tính nên trên cây có cả hoa đực và hoa cái.
Nhờ vào động vật nhỏ như ong, bướm, điều kiện thời tiết trời gió, hay tác động của con người mà hoa có thể được thụ phấn.
Sau một khoảng thời gian thì cây dưa hấu kết trái, tuỳ vào loại giống mà người nông dân chọn trồng, sẽ cho ra hình dáng, kích thước, màu sắc bên trong và mùi vị khác nhau.
Các loại dưa hấu có trên thị trường Việt Nam hiện nay
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, vì nhu cầu của người tiêu dùng mà ngày càng có nhiều loại dưa hấu mới được nhân giống.
Tuy nhiên chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp dưa hấu có hình tròn hoặc hình bầu dục lúc nhỏ chỉ bé bằng hạt đậu nhưng khi lớn kích thước đường kính có thể lên đến 30cm.
Màu sắc bên ngoài có thể màu xanh đậm hoặc màu xanh nhạt có sọc loại này thường là giống dưa hấu không có hạt.
Ruột bên trong màu đỏ hoặc màu vàng bắt mắt, nhưng đều không quá khác biệt về giá trị dinh dưỡng mà cả hai loại dưa này có, đem đến nhiều lựa chọn theo sở thích cá nhân của mỗi người tiêu dùng.
Mùa vụ của dưa hấu theo từng vùng miền
Dưa hấu là loại cây tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc thích nghi cao với nhiều loại đất trồng và điều kiện thời tiết khác nhau, ngoài ra còn cung cấp sản lượng lớn sau mỗi vụ mùa mang đến sự ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình, vì thế được các nông dân trên khắp vùng miền lựa chọn là nguồn thu nhập chính.
Một năm có thể có từ 2 đến 3 vụ mùa, mỗi vụ kéo dài từ 65-70 ngày (khoảng 2-3 tháng) từ khi gieo hạt và khoảng 23-30 ngày sau khi hoa được thụ phấn.
3.1 Vụ mùa ở miền Bắc
Gieo trồng mùa vụ xuân hè: Ở miền bắc nước ta thường có mùa đông lạnh, mưa kéo dài nhiệt độ xuống thấp, khiến việc gieo trồng hoặc chăn nuôi đều trở nên khó khăn và hạn chế.
Vì thế vụ mùa chính này thường được bắt đầu vào khoảng thời gian cuối tháng 2 và kết thúc vào tháng 5 là lúc điều kiện thích hợp nhất để gieo trồng dưa hấu.
Gieo trồng mùa vụ hè: Ở những vùng thuộc Đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hải Phòng sau khi kết thục mùa vụ lúa vào khoảng tháng 7 là có thể gieo trồng dưa.
Hạn chế của vụ mùa ở vùng này xuất phát từ lượng mưa tương đối nhiều, dễ gây ra ngập úng cho các khu vực đất thấp, để đối phó với tình trạng này người trồng dưa hấu thường áp dụng phương pháp ghép cây lên gốc của cây bầu.
Việc này giúp cây dưa hấu chống chịu hiện tượng ngập nước và đề phòng cây khỏi bệnh héo vàng.
Gieo trồng mùa vụ đông: Vụ mùa cuối đông thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu khoảng tháng 12. Mùa vụ này được bắt đầu trồng từ khi có cơ cấu mới cho các giống lúa ngắn ngày.
Vì đây là khoảng thời điểm thời tiết dần trở nên khắc nghiệt nên nông dân cần có kinh nghiệm dày dặn và hiểu biết sâu về canh tác để có thể canh đúng thời gian gieo trồng, đảm bảo thu hoạch đạt hiệu quả.
3.2 Vụ mùa miền Trung và miền Nam
Gieo trồng vụ sớm: Trồng dưa hấu vào mùa sớm thường bắt đầu bằng việc gieo hạt vào tháng 10 và kết thúc với việc thu hoạch vào cuối tháng 12.
Để đối phó với tác động của mưa đầu mùa, người trồng thường chọn trồng trên những khu vực đất cao và có khả năng thoát nước tốt để đảm bảo cây trồng không bị ngập úng nước.
Gieo trồng mùa vụ chính: Vụ mùa chính trong các tỉnh miền trung hoặc miền nam thường được bắt đầu từ khoảng tháng 11 và thu hoạch vào thời điểm tết nguyên đán. Thời điểm này cùng thích hợp để cây trồng đem lại năng suất cao đồng thời tiêu thụ lớn sản lượng lớn.
Giao trồng mùa vụ hè: Thời điểm này thường bắt đầu sau tết là khoảng thời gian giữa tháng 3 dương lịch, lúc này thời tiết đẹp mang lại năng suất cao đặc biệt là trồng trên đất sau vụ lúa ở các tỉnh vùng miền Tây như An giang, Kiên Giang hoặc Đồng Tháp và các tỉnh ở miền Trung.
Cách gieo trồng cây dưa hấu
Để trồng được cây dưa hấu, người trồng cần lựa chọn vụ mùa thích hợp, cùng với đó là hạt giống. Cần chọn hạt giống uy tín, đều đặn, chắc chắn không bị lép, không bị sâu mọt hay dị tật để nâng cao năng suất.
Chọn nơi trồng thoáng đãng, có nhiều ánh nắng mặt trời để cây có thể phát triển tốt, vì dưa hấu là loại cây ưa nắng.
4.1 Xử lý đất và làm luống để trồng dưa hấu
Đất trồng dưa hấu cần tơi xốp, người trồng có thể trộn thêm phân bón hoặc phân hữu cơ để đất có thêm chất dinh dưỡng giúp cây phát triển mạnh mẽ.
Các luống cây cần được đắp cao khoảng 25cm đề rễ không bị ngập úng và dễ phát triển, luống được làm rộng từ 2 đến 3 mét, khoảng cách giữa các luống 30cm.
4.2 Tiến hành trồng dưa hấu
Hạt sau khi được ươm mầm bằng nước ấm khoảng 4 đến 5 giờ và ủ hạt đến khi nứt ra khoảng từ 2-3 ngày thì tiến hành gieo hạt vào các bầu đất.
Sau khoảng 3 ngày câu con bắt đầu mọc, lúc này người trồng có thể đem trồng ra các luống lớn ngoài đồng và bắt đầu chăm sóc.
Thời gian đầu nên chỉ tưới đủ ẩm, ngày tưới hai lần sáng sớm và chiều tối mát, tưới với tia nước nhỏ để tránh làm gãy cây vì lúc này cây còn đang yếu.
Nếu làm rãnh sâu, người trồng có thể đưa nước vào rãnh một lượng vừa đủ, lúc này rễ cây đã bén có thể tự hút nước khi ngấm nước từ hai bên rãnh.
Đặc biệt chú ý không nên tưới nước trước thời điểm thu hoạch khoảng 5 ngày vì lúc lúc này dưa đã đạt độ chín, nếu cố gắng tưới quá nhiều có thể dẫn đến nứt, bể quả.
4.3 Chăm sóc cho cây trồng
Để cây có thể phát triển tốt, cho ra sản lượng chất lượng thì người trồng cần bổ sung đầy đủ phân đạm và phân kali trong ba giai đoạn.
Thời gian đầu là khi cây đã bắt đầu bén rễ, lá mầm bắt đầu xanh đậm lúc này cây khoảng 7-10 ngày tuổi, người trồng hoà tan loãng phân đạm và kali sau đó tiến hành bón phân bằng cách tưới xung quanh gốc cây. Và tiếp theo là sau 25 ngày và 25 ngày kế tiếp khi bón thúc lần 2.
Khi cây bắt đầu ra lá và nhiều nhánh nhỏ, tiến hành cắt tỉa những cành yếu ớt, nhánh phụ chỉ giữ lại một đến hai cành cứng cáp giúp cây tập trung nuôi dưỡng tốt hơn.
Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để diệt bỏ vì dễ gây ra cháy lá, thay vào đó nông dân cần thường xuyên cắt tỉa cỏ xung quanh vườn, sử dụng các loại màng bọc phủ nông nghiệp hoặc có thể sử dụng các loại thuốc chuyên biệt.
4.4 Thu hoạch trái
Sau khoảng thời gian chăm sóc quả chín đạt 70-80% là có thể thu hoạch, ở khu vực miền Bắc quả được hái khi sau 30-40 ngày tính từ lúc ra hoa, ở khu vực miền Nam sau khoảng 25-30 ngày.
Quả sau khi thu hoạch được bảo quản ở nơi thoáng mát, lót rơm hoặc cỏ khô giữa các tầng để tránh va chạm làm vỡ quả.
Kết luận
Tóm lại, dưa hấu là loại trái cây yêu thích của nhiều người, không chỉ chứa hàm lượng dinh dưỡng nhất định mà đồng thời cũng dễ trồng. Hy vọng qua bài viết trên mà chúng tôi cung cấp, sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về loại quả này.