Chim Chào Mào được tắm đúng cách và đều đặn sẽ giúp bộ lông chim cứng cáp và óng mượt hơn. Bên cạnh đó thì việc tắm thường xuyên còn giúp chim Chào Mào luôn sạch sẽ, loại bỏ được bụi bẩn và vi khuẩn trên cơ thể. Chim Chào Mào sẽ không còn ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình thi đấu. Vậy, cách cho chim Chào Mào tắm như thế nào mới đúng? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Nuoitrong.com!
Những cách tắm cho chim Chào Mào phổ biến nhất
Có nhiều phương pháp tắm cho chim Chào Mào nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 cách dưới đây. Bạn hãy tham khảo và lựa chọn cách tắm phù hợp nhất cho chú chim của mình.
1.1 Tắm cho chim Chào Mào bằng cát
Có rất nhiều loài chim cảnh ưa thích tắm cát chứ không chỉ riêng chim Chào Mào. Trong tự nhiên, những chú chim này thường sử dụng cát để làm giảm bớt thân nhiệt và làm sạch lông của mình.
Các bạn có thể áp dụng cách tắm này cho chú chim của mình. Cách thực hiện như sau: Đặt một khay tắm ở trong lồng chim Chào Mào. Sau đó rải vào một lớp cát mịn dày khoảng 0.5cm trong khay. Cát mịn có thể lấy từ cát sông đãi sạch phơi khô để cho chim Chào Mào tắm.
Bạn có thể sử dụng lại chỗ cát mịn này, nhưng phải chú ý thường xuyên đãi sạch sẽ lại. Sau khi chuẩn bị xong xuôi thì lúc này bạn không cần làm gì thêm cả. Chú chim Chào Mào rất thông minh, khi chúng muốn tắm thì chim sẽ tự động lăn vào cát để tắm.
1.2 Tắm cho chim Chào Mào bằng nước
Thông thường những chú chim Chào Mào không thích tắm nước bằng tắm cát. Chính vì thế, để tắm nước cho chim Chào Mào thì bạn cần huấn luyện chim từ từ. Đối với những con chim Chào Mào thích tắm, tự động tắm rửa,thì bạn chỉ cần chuẩn bị khay tắm lớn, sau đó để nước sạch ở trong để chim tự tắm là được.
Còn với những con chim Chào Mào không thích tắm, không chủ động tắm rửa thì đừng ép chim tắm ngay. Mà cần tập cho chim dần dần.
Hãy quan sát chim Chào Mào trước xem có phải chim bị thiếu chất béo không. Vì thiếu chất béo cũng là nguyên nhân khiến chim Chào Mào sợ nước.Nếu như chim bị thiếu chất béo thì phải để chim tĩnh dưỡng một thời gian sau đó mới huấn luyện chim tắm sạch sẽ.
Còn với những chú chim không thích tắm thì bạn có thể dùng nước vẩy lên người chim. Việc này để chim Chào Mào dần dần thích ứng với nước, để chim không bị sợ tắm nữa.
1.3 Tắm nắng cho chim Chào Mào
Chim Chào Mào cũng là một loài vật biết hưởng thụ. Ở ngoài tự nhiên, bạn sẽ thường xuyên thấy những chú chim Chào Mào thư thái, thoải mái đứng dưới ánh nắng mặt trời hưởng thụ. Thực ra đây chính là lúc chim Chào Mào đang tắm nắng.
Trong ánh nắng mặt trời có nhiều vitamin D, giúp gia tăng tuần hoàn máu cho cơ thể chim. Đồng thời ánh nắng mặt trời còn thúc đẩy sự thèm ăn của chim, sát khuẩn khử trùng cho chim Chào Mào. Thậm chí, còn có thể kích thích tiết hormone sinh dục và bài tiết Thyroxin, từ thúc đẩy cơ thể chim Chào Mào phát triển toàn diện.
Thời gian tắm cho chim Chào Mào hợp lý
Để phát huy tối đa công dụng của việc tắm rửa thì bạn cần chọn thời điểm tắm cho chim hợp lý trong ngày. Không phải cứ thích là mang chim ra tắm. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của chim Chào Mào.
1.1 Thời gian tắm nắng cho chim
Hàng này các bạn có thể cho chim Chào Mào tắm nắng bằng cách treo lồng chim tại vị trí yên tĩnh, ít người qua lại ở những nơi có ánh nắng nhẹ nhàng. Thời gian phơi nắng tốt nhất cho chim Chào Mào sẽ là từ lúc mặt trời mọc cho đến 10 giờ sáng mỗi ngày.
Mỗi lần chỉ nên cho Chào Mào phơi nắng trong khoảng từ 45 phút cho đến 1 giờ 30 phút. Nếu như bạn không có thời gian thì có thể phơi nắng nhẹ cho chim Chào Mào vào mỗi buổi chiều.
Lưu ý:
Không mang Chào Mào phơi ngoài nắng quá lâu nếu không sẽ khiến chim bị ho. Đặc biệt bạn cũng phải hạn chế phơi chim Chào Mào vào buổi trưa nắng gắt hay những nới có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào chim.
Trong khoảng thời gian cho chim Chào Mào tắm nắng thì bạn không nên để các con chim nhìn thấy mặt nhau. Bởi như vậy thì chim Chào Mào sẽ bị lên lửa, kè nhau, chơi nhiều khiến chim mất sức.
1.2 Thời gian tắm nước cho chim
Với chế độ tắm nước, thì mỗi tuần bạn nên cho chim Chào Mào tắm khoảng từ 2 cho đến 3 lần, và mỗi lần nên cách ngày.
Những ngày lạnh hay mùa đông thì bạn không nên tắm nước cho chim Chào Mào. Tuy nhiên bạn cũng không nên tắm quá nhiều lần cho chim bởi nó khiến cho chim Chào Mào khó lên lửa. Cũng không nên tắm cho chim Chào Mào quá ít như vậy sẽ khiến cho chim ngứa ngáy, khó chịu và hay rỉa lông.
Giờ giấc tắm tốt nhất cho chim Chào Mào đó là vào ban trưa, bạn không nên tắm quá sớm cho chim. Hãy tạo cho chim Chào Mào thói quan đến giờ là phải đi tắm.
Với những chú chim Chào Mào trong giai đoạn thay lông thì thời gian tắm hợp lý nhất là vào ban chiều. Khi tắm xong thì bạn cần mang lồng chim Chào Mào ra bên ngoài phơi nắng cho khô hẳn. Sau đó mới trùm áo lồng lại cho chim. Không nên trùm ngay áo lồng ngay sẽ khiến cho chim Chào Mào bị cảm lạnh.
Xem thêm: Cách chăm sóc chim Chào Mào thi đấu bạn nên biết
Hướng dẫn cho chim Chào Mào tắm đúng kỹ thuật
Nếu bạn chưa biết cách cho chim Chào Mào tắm đúng kỹ thuật thì hãy làm theo từng bước mà Nuoitrong.com hướng dẫn ở dưới đây.
2.1 Tắm cho chim Chào Mào thuần
Nếu chim Chào Mào nhà bạn là chim thuần, được nuôi từ nhỏ thì thường chúng sẽ không được tập thói quen tắm trong lồng tắm (vì đa số chim thuần đều được tắm trong lông nuôi). Chính vì thế mà rất khó có thể lừa chim Chào Mào thuần qua lồng tắm. Dưới đây sẽ là một số cách mà các bạn có thể thực hiện để tắm cho chim Chào Mào thuần:
– Cách 1: Dùng tay vỗ nhẹ vào lồng, theo phản xạ thì chim Chào Mào sẽ nhảy qua lồng tắm. Nếu chim vẫn không qua lồng tắm thì bạn có thể sử dụng đến cây tre để lùa chim sang. Khi đó chim Chào Mào sợ sẽ sang lồng. Kiên trì chịu khó tập cho chim Chào Mào khoảng 3 cho đến 4 ngày thì chim sẽ tự sang lồng tắm.
– Cách 2: Tháo hẳn 2 đầu ở phía trên lồng chim ra và chỉ để lại cầu chính trong lồng. Khi đó bạn chỉ cần lùa chim Chào Mào sang lồng tắm tương tự như cách 1 thì chim Chào Mào sẽ qua lồng tắm.
– Cách 3: Trước khi đến giờ đi tắm thì bạn cần lấy cóng thức ăn và cóng nước bên trong lồng nuôi ra. Sau đó mang chim Chào Mào ra bên ngoài phơi nắng để chim thấy đói và khát. Lúc này bạn chỉ cần bỏ cóng thức ăn và nước vào bên lồng tắm thì chim Chào Mào sẽ tự sang.
Nếu như bạn thực hiện lần lượt cả 3 cách trên mà chim Chào Mào vẫn không qua lồng thì bạn cần kết hợp cả 3 cách đồng thời. Cách thực hiện cụ thể như sau: Tháo cần phụ, lấy cóng nước và thức ăn ra, mang Chào Mào ra phơi nắng. Sau đó bỏ cóng nước và thức ăn vào bên lồng tắm để chim Chào Mào tự qua.
Để thành công thì bạn cần phải kiên trì thực hiện từng ngày, không nên quá nóng vội như vậy sẽ khiến cho chim Chào Mào sợ. Chịu khó tập cho chim một vài lần thì chim sẽ tạo thành thói quen và sẽ bay qua lồng tắm ngay.
2.1 Tắm cho chim Chào Mào bổi
Chào Mào bổi là những con chim trưởng thành ở ngoài tự nhiên vừa mới được bẫy về. Thường thì chim Chào Mào bổi khi được bẫy về hoặc vừa mới mua ngoài quán về sẽ rất khó chăm. Bạn phải vào cám cho chim quen dần. Sau 1-2 tuần đã ăn cám ổn định thì lúc này bạn mới bắt đầu tập cho chim Chào Mào bổi tắm.
Chào Mào bổi khi mới bắt đầu nuôi thì chúng rất hay nhảy, có con Chào Mào còn phi, thúc, rúc đến vỡ đầu. Chúng chưa dạn người nên rất sợ người, cứ thấy người là bay, nhảy loạn xạ lung tung lên. Chính vì thế bạn nên tập cho chim Chào Mào tắm dần dần.
Cách thực hiện như sau:
Đầu tiên vẫn để chim Chào Mào bổi phơi nắng tầm 15-20 phút. Sau đó sẽ đưa chim vào lồng tắm. Đối với một số con Chào Mào khôn thèm tắm thì chúng sẽ nhảy vào lồng tắm ngay, bạn để tầm 5-10 phút là chim sẽ tự ngoáy nước tắm.
Khi cho chim Chào Mào bổi tắm thì bạn cố gắng để chim yên tĩnh bằng cách để lồng tắm của chim ở góc vườn hoặc góc sân vắng vẻ, không có người qua lại. Bạn cũng không được ngồi gần xem chim Chào Mào bổi tắm, rình chim tắm hoặc để chim Chào Mào bổi nhìn thấy bạn.
Còn với trường hợp chim Chào Mào bổi không chịu tắm, để trong lồng tầm 5-10 phút thậm chí lâu hơn mà bạn vẫn thấy chim không chịu ngoáy nước tắm thì nên làm thêm 1 bước nữa. Đó là bạn lấy bình xịt phun sương để tưới cây rồi xịt ướt lên người chim Chào Mào bổi cho ướt lông. Nếu không có bình xịt thì dùng nước vẩy lên người chim. Như vậy chim sẽ bị ướt lông, ngứa ngáy khó chịu và một lúc sau chim Chào Mào bổi sẽ muốn tắm ngay.
Nếu chú chim Chào Mào bổi của bạn vẫn cứng đầu không tắm thì phải làm sao? Vậy lúc này bạn sẽ thiết kế thêm 1 lồng tắm khác ở bên cạnh lồng tắm của chim Chào Mào bổi này. Chọn những con chim thuần thích tắm, đã tắm thành thạo cho vào trong lồng tắm và đặt bên cạnh chim Chào Mào bổi. Khi những con chim đó tắm sẽ vung nước làm bắn lên chim Chào Mào bổi. Chim Chào Mào bổi nhìn thấy, dần dần sẽ bắt chước và tắm theo.
Sau khi hoàn thành quá trình tắm cho Chào Mào thì bạn cần chuyển chim sang lồng nuôi, và phơi chim ngoài nắng tầm 5 phút nữa. Sau đó mới treo lồng chim Chào Mào ở chỗ râm mát, phủ áo lồng hình chữ A lên để chim nghỉ ngơi.
Như vậy, qua bài viết trên đây chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách cho chim Chào Mào tắm đúng kỹ thuật nhất. Nuoitrong.com hy vọng bạn sẽ áp dụng thành công và huấn luyện được những chú chim Chào Mào của mình tắm tốt nhất. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo của website.