Cây Atiso với giá trị kinh tế rất cao, sử dụng được toàn bộ phần thân, rễ, lá và hoa làm dược liệu. Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ cây Atiso hiện đang rất phổ biến trên thị trường, và bạn có thể áp dụng kĩ thuật trồng đơn giản qua bài viết bên dưới để trồng loại cây này ở kháp mọi nơi, từ đó đem lại năng suất và thu nhập cao!
Đặc điểm, nguồn gốc cây Atiso
Cây Atiso là một loại thảo dược có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, thường được sử dụng để phòng ngừa các vấn đề tim mạch, giảm lượng cholesterol trong máu và cung cấp vitamin cho cơ thể. Cây được biết đến với tên khoa học là Cynara scolymus L, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cây Atiso có thể được phân thành hai loại chính:
– Atiso xanh, còn được gọi là Cynara Scolymus, thuộc họ cúc. Cây có chiều cao khoảng 1 – 2 m, hoa được bao phủ bởi lông tơ mềm xung quanh. Tại nước ta, atiso xanh thường được trồng ở Đà Lạt và Sapa.
– Atiso đỏ, hay còn được gọi là Hibiscus Sabdariffa, thuộc họ cẩm quỳ. Cây cao khoảng 1,5 – 2 m, hoa có màu đỏ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hai loại atiso này không có liên quan gì đến nhau.
Cây Atiso thuộc dạng thân thảo và có chiều cao hơi thấp. Lá mọc đơn lẻ, có răng cưa, chiều dài khoảng 1 – 1,2 m, chiều rộng khoảng 50cm với nhiều lông trắng ở cả hai mặt lá. Mặt trên của lá có màu nâu hoặc lục, mặt dưới có màu xám trắng, đồng thời có nhiều rãnh dọc nhỏ chạy song song.
Cụm hoa mọc ở đầu và có màu tím nhạt. Lá bắc ngoài xung quanh hoa là một tầng mảng dày và hơi nhọn, trong khi phần gốc nạc của lá bắc và đế của hoa đều có thể được sử dụng trong ẩm thực.
Cách trồng cây Atiso chi tiết
Bạn cần chú ý một số yếu tố và nắm vững từng bước trong quá trình trồng cây, cụ thể:
2.1 Thời vụ trồng
Vụ trồng sớm được thực hiện trong tháng 4 – 5 và thu hoạch kết thúc vào cuối kỳ tháng 2 – 3.
Vụ trồng muộn bắt đầu từ tháng 7 và tháng 8 theo lịch dương. Sau 2 – 3 tháng trồng, quá trình tỉa lứa bắt đầu từ lá đầu tiên, sau đó tiếp tục mỗi tháng một lần.
2.2 Đất trồng thích hợp và cách làm đất
Bạn cần lựa chọn đất có hàm lượng hữu cơ cao, khả năng thoát nước tốt và độ ẩm trên 85%. Đặc biệt, ngưỡng pH lý tưởng để trồng cây nằm trong khoảng 5,5 đến 6,5. Ngoài ra, đối với khu vực có nhiệt độ thấp như Đà Lạt, bạn cần thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh độ pH để đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất cho cây.
Bên cạnh đó, khi trồng cây Atiso, bạn nên lựa chọn kỹ thuật luân canh với các loại cây họ đậu, cây hoa và rau. Đồng thời tránh trồng cây Atiso liên tiếp hoặc thâm canh bởi có thể dẫn đến giảm năng suất và tăng nguy cơ phát triển sâu bệnh. Ngoài ra, trước khi trồng, bạn cần dọn dẹp cỏ, cày bừa sâu để làm thoáng đất và loại bỏ các mầm bệnh có thể có trong đất.
2.3 Tiến hành trồng cây
– Lựa chọn ngày trồng nên ưu tiên vào những ngày có thời tiết nắng ráo, đặc biệt là trong khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều mát. Từ đó sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khi được trồng vào những thời điểm nêu trên, cây có khả năng phát triển rễ nhanh chóng và tái tạo lá xanh.
– Trước khi trồng cây, bạn hãy chuẩn bị hố trồng một cách cẩn thận. Khi đánh cây từ vườn ươm, bạn nên trực tiếp trồng cây vào hố đã chuẩn bị để tránh tình trạng héo rễ.
– Đối với cây con, bạn cần thực hiện cắt tỉa bớt 1 – 2 lá ở phía dưới gốc để giảm mất nước khi cây mới trồng. Hơn nữa, khi trồng nên tập trung vào lấp đất kín quanh phần củ của cây, không nên che phủ đất lên phần nỏn của cây để tránh làm chậm sự phát triển, từ đó có thể dẫn đến tình trạng chết cây. Sau khi trồng xong, bạn cần tưới nước đầy đủ giúp cây nhanh chóng nén chặt đất, đồng thời duy trì độ ẩm để tạo điều kiện thuận lợi cho cây phục hồi.
Cách chăm sóc cây Atiso đúng kĩ thuật
– Tưới nước: Sau khi hoàn thành trồng cây giống, bạn nên phủ một lớp rơm khô mỏng lên bề mặt luống để duy trì độ ẩm cho cây. Trong giai đoạn mới trồng và trong mùa khô, bạn cần đặc biệt chú ý tưới nước đầy đủ. Bạn nên tưới nước hai lần mỗi ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát. Trong mùa mưa, lượng nước tưới có thể giảm xuống nhưng quan trọng là đảm bảo cây có đủ thoát nước để tránh tình trạng ngập úng.
– Bón phân: Trong 1 hecta/vụ, bạn cần sử dụng phân chuồng hoai mục từ 150 đến 300 m3, phân lân vi sinh (LVS) 500kg, vôi bột từ 1.000 đến 1.500kg và phân vô cơ NPK từ 2.000 đến 2.600kg nguyên chất. Bạn có thể sử dụng phân đơn hoặc phức hợp tùy thuộc vào lượng đã nêu.
Phương pháp bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi và phân LVS được rải đều khi làm đất. Đối với 1.000 kg P2O5, bạn hãy đảo trộn thật đều trước khi trồng.
+ Bón thúc lần 1, sau 25 – 30 ngày trồng, kết hợp với cắt tỉa lá kém chất lượng, bón 400 – 450 kg NPK rải đều phân cách gốc 10 – 15 cm.
+ Bón thúc lần 2, sau 50 – 60 ngày trồng, bón 100 kg N, 250 kg P2O5, 150 kg K2O rải đều phân cách gốc 15 – 20 cm, đồng thời kết hợp chăm sóc cỏ và vun đất nhẹ.
+ Bón thúc lần 3, sau 3 tháng trồng, bón 150 kg N, 100 kg P2O5, 100 kg K2O rải đều phân quanh gốc đồng thời kết hợp chăm sóc.
+ Bón thúc lần 4, sau 4 tháng trồng, bón 150 kg N, 100 kg P2O5, 250 kg K2O rải đều phân quanh gốc.
+ Bón thúc lần 5, sau 5 tháng trồng, bón 350 kg K2O rải đều phân quanh gốc.
+ Bón thúc lần 6, sau 6 tháng trồng, bón 350 kg K2O rải đều phân quanh gốc. Lưu ý rằng sau mỗi lần bón thúc, bạn cần thực hiện tưới nước.
Phòng ngừa sâu bệnh hại cho cây Atiso
Bệnh đốm lá trên cây Atiso thường thể hiện khi xuất hiện các vết tròn màu vàng trên cả hai bề mặt lá. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể làm cho lá cây khô, cháy và rụng sớm. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan sang hoa và thân cây, gây cành cong, hoa khô và dần dẫn đến tình trạng chết cây. Thường thì bệnh này phát triển mạnh mẽ trong mùa mưa và điều kiện độ ẩm cao.
Để phòng tránh bệnh, bạn cần phải chú ý kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe của cây. Bạn cần tiến hành loại bỏ những phần cây bị nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan. Đặc biệt, bạn cũng cần thực hiện thoát nước cho cây, đặc biệt là trong mùa mưa và cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại mầm bệnh.
Bệnh do bọ phấn gây ra trên cây Atiso thường xuất hiện khi bọ phấn chích nhựa độc vào lá và thân cây, gây ra hiện tượng chảy mủ độc. Nếu không được xử lý kịp thời, lá cây có thể chuyển sang màu vàng và rụng sớm, cây trở nên yếu đuối và sau đó có thể chết dần.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh do bọ phấn gây ra, bạn cần dọn vệ sinh vườn trồng thường xuyên. Đồng thời tỉa bỏ những cành mọc vượt giúp tạo ra không gian thông thoáng cho cây. Hơn nữa, bạn cũng cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun định kỳ cho vườn. Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh, bạn hãy cắt bỏ các phần đã bị nhiễm nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh cho các cây khác.
Thu hoạch và sơ chế cây Atiso
– Thu hoạch cây Atiso được thực hiện vào các thời điểm phù hợp để đảm bảo thu được toàn bộ các bộ phận của cây, bao gồm thân, lá, hoa và rễ, tất cả đều sẽ được sử dụng trong quá trình chế biến dược liệu.
– Kỹ thuật thu hoạch cây Atiso được chia thành ba giai đoạn cụ thể như sau:
+ Thu hoạch lá: Thực hiện vào cuối tháng 11 trong lần thu hoạch đầu tiên, và lần thu hoạch thứ hai diễn ra từ 20 – 25 ngày sau lần đầu. Cách thu hoạch lá cây Atiso là chọn những lá ngoài thân, ưu tiên lựa chọn lá xanh tốt với tỷ lệ phần lá chiếm 55% và phần cuống chiếm 45%. Sau khi thu lá về, bạn cần tách riêng phần lá và phần cuống. Phần lá sau đó được đưa đi thái và phơi khô, sau đó bảo quản trong túi nilong để tránh ẩm và giữ được chất lượng cho quá trình chế biến dược liệu.
+ Thu hoạch hoa: Diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6. Khi thu hoạch hoa, bạn cần chẻ dọc bầu hoa và thái thành các lát dày khoảng 1 cm. Hoa sau đó được phơi hoặc sấy khô và bảo quản trong túi nilong. Nếu sử dụng làm thực phẩm hoặc nước giải khát, quá trình thu hoạch cần được thực hiện trước khi hoa nở.
+ Thu hoạch rễ: Thực hiện vào cuối tháng 7. Quá trình này bao gồm việc nhổ cây, lấy rễ và rửa sạch chúng. Chọn tách rễ có đường kính từ 1 cm trở lên, sau đó thái nhỏ thành các lát mỏng có độ dày từ 1 – 2 cm. Rễ được phơi khi độ ẩm còn 12%, sau đó bảo quản trong túi nilong.
Cách sử dụng và bảo quản cây Atiso
Cách sử dụng atiso rất đa dạng, từ thực hiện các món ăn ngon, sắc lấy nước uống, làm trà túi lọc cho đến chế biến thành viên bao hoặc cao atiso để tận dụng lâu dài. Để bảo quản atiso hiệu quả theo chuẩn hiện nay, có một số điều bạn cần lưu ý:
– Bảo quản nơi thoáng mát: Để tránh sự phát triển của mốc, bạn nên giữ cây atiso ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không nên đặt ở nơi ẩm ướt.
– Bảo quản hoa tươi: Đối với hoa atiso tươi, sau khi lau nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, bạn nên sử dụng giấy báo để bọc kín hoa và đặt vào túi zip. Ngoài ra, để đảm bảo tươi mới và giữ hương thơm, bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 5 ngày.
– Bảo quản hoa khô: Nếu bạn có hoa atiso khô thì hãy giữ chúng ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp. Hơn nữa, sau khi sử dụng, bạn hãy buộc chặt miệng túi để ngăn không khí xâm nhập, từ đó giúp duy trì chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên sử dụng hoa khô trong vòng 3 tháng.
Công dụng của cây Atiso
Cây Atiso là một loại “thực phẩm vàng” có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người:
7.1 Có nhiều chất chống oxi hóa
Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra. Tích tụ quá nhiều gốc tự do có thể gây ra stress oxy hóa, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Trong phần đài hoa của cây Atiso có thể tìm thấy hai chất chống oxy hóa hiệu quả, đó là flavonoid và cyanidin. Từ đo sẽ giúp giảm nguy cơ về các vấn đề tim mạch khi thường xuyên bổ sung atiso vào chế độ ăn uống hàng ngày.
7.2 Tốt cho gan
Tác dụng giải độc gan của cây Atiso chủ yếu đến từ chất cynarin và axit chlorogenic. Những hợp chất này không chỉ bảo vệ mà còn hỗ trợ trong quá trình điều trị các vấn đề về gan như viêm gan và gan nhiễm mỡ.
7.3 Tốt cho hệ tiêu hóa
Tim Atisô là một nguồn cung cấp kali phong phú, một chất dinh dưỡng có khả năng giảm đầy hơi và loại bỏ độc tố. Ngoài ra, atisô cũng là nguồn chất xơ đáng kể, trong đó 100 gram atisô nấu chín cung cấp đến 34% giá trị chất xơ hằng ngày, giúp củng cố khả năng hấp thụ của hệ tiêu hoá.
7.4 Giảm dị ứng
Atisô chứa pyrethrum, một chất có khả năng ức chế tác động của histamin. Histamin là một chất trung gian quan trọng trong các phản ứng dị ứng. Do đó, sử dụng atisô có thể giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khi bị dị ứng.
7.5 Tốt cho hệ miễn dịch
Atisô chứa một lượng lớn vitamin C. Vitamin C đã được biết đến là một chất hỗ trợ quan trọng để tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, từ đó giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân lạ từ môi trường xung quanh.
7.6 Giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt
Một trong những hiệu quả nổi bật được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng của atiso là khả năng giảm lượng cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt.
Trong một nghiên cứu về tác dụng giảm cholesterol trong huyết tương sử dụng chiết xuất từ lá atiso được thực hiện trên nhóm người trưởng thành mắc bệnh tăng cholesterol máu, kết quả cho thấy rằng những người sử dụng chiết xuất từ lá atiso giảm 18,5% tổng lượng cholesterol xấu so với nhóm sử dụng giả dược.
Công dụng này được giải thích bởi việc atiso có khả năng ức chế men khử HMG CoA, từ đó tăng quá trình loại bỏ cholesterol trong dịch mật và ức chế quá trình oxy hóa LDL.
7.7 Giúp ổn định huyết áp
Với hàm lượng kali dồi dào, atisô hỗ trợ giảm nồng độ natri cao trong máu, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Do đó, sử dụng atisô hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát huyết áp mà còn hỗ trợ ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng như các vấn đề về tim mạch và đột quỵ.
7.8 Tốt cho đường ruột
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, có thể gây đau dạ dày, tiêu chảy, chướng bụng, táo bón và đầy hơi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra khả năng điều trị các triệu chứng của IBS bằng cách sử dụng prebiotic có trong atisô. Prebiotic là các chất hỗ trợ vi khuẩn có lợi phát triển trong đường ruột, từ đó giúp cải thiện sức khỏe đường ruột thông qua cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
7.9 Ổn định lượng đường trong máu
Atisô như các loại rau xanh khác sẽ cung cấp một lượng lớn chất xơ. Chất xơ đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đồng thời chất xơ giúp chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, duy trì sự ổn định của lượng đường máu và ngăn chặn tăng giảm đột ngột.
7.10 Giảm nguy cơ mắc ung thư
Hàm lượng flavonoid trong atisô đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy. Đặc biệt, atisô cũng chứa hàm lượng apigenin cao, một loại flavonoid đã được nghiên cứu và được cho là có tác dụng chống lại bệnh ung thư vú.
7.11 Giúp giảm cân
Mỗi bông atiso chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể, đồng thời lại có chỉ số calo rất thấp. Theo Đông y, lá atiso có hương vị đắng giúp giải nhiệt và kích thích chức năng lợi tiểu trong cơ thể. Ngoài ra, khả năng kích thích tiết mật của atiso không chỉ thúc đẩy quá trình tiêu hóa chất béo mà còn hỗ trợ quá trình giảm cân. Tóm lại, atiso có ba đặc tính quan trọng hỗ trợ quá trình giảm cân: lượng calo thấp, tác dụng lợi tiểu và khả năng loại bỏ chất béo.
7.12 Chữa thiếu máu
Atisô là một nguồn sắt tốt từ thực vật, giúp bổ sung canxi và sắt đối với người ăn chay. Điều này đặc biệt quan trọng cho những người không thể đáp ứng nhu cầu sắt cần thiết từ thực phẩm chế biến từ thịt động vật và trứng.
7.13 Giúp làm đẹp da
Atisô là nguồn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các chất chống oxy hóa như carotenoids, tocopherols, flavonoid kết hợp với vitamin (A, C, D, và E) không chỉ giúp khắc phục vấn đề da và sắc tố mà còn tăng vẻ đẹp cho làn da.
7.14 Tốt cho não bộ
Sự thiếu hụt phosphorus được biết đến là một trong những nguyên nhân gây suy giảm khả năng nhận thức. Atisô với hàm lượng phosphorus cao giúp giảm nguy cơ tình trạng này. Hơn nữa, atisô còn đóng vai trò làm thuốc giãn mạch, tăng cường cung cấp oxy đến não, có thể có lợi cho sự tăng cường khả năng nhận thức.
7.15 Tốt cho bà bầu
Atisô không chỉ là một nguồn dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai mà còn hỗ trợ sức khỏe và phát triển bình thường của thai nhi. Hơn nữa nồng độ axit folic cao trong cây atisô có thể ngăn chặn xuất hiện các khiếm khuyết ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, giúp hỗ trợ thai kỳ lành mạnh.
Một số chú ý khi sử dụng cây Atiso
Cây Atiso được coi là một “thần dược” với những công dụng đặc biệt, tuy nhiên, khi sử dụng cần tuân thủ một số quy tắc để đảm bảo hiệu quả và tránh rủi ro không mong muốn:
– Những người có cơ địa hàn, khó tiêu hóa nên hạn chế sử dụng trà atiso trong thời gian dài. Bởi tính lạnh của atiso có thể gây thêm áp lực cho cơ thể, đặc biệt là đối với gan và thận, từ đó có thể dẫn đến quá tải hệ thống này.
– Người thường xuyên mất ngủ nên sử dụng trà atiso với lượng nhỏ và tránh uống vào buổi tối, đặc biệt là sau 16 giờ chiều. Từ đó sẽ giúp tránh kích thích thần kinh, đảm bảo giấc ngủ không bị ảnh hưởng.
– Atiso có khả năng giải độc cơ thể nhưng không nên sử dụng nước trà atiso để thay thế nước lọc và uống trong thời gian dài. Bởi có thể tăng gánh nặng cho gan và thận, gây hại nhiều hơn lợi.
Lời kết
Hi vọng rằng những thông tin về cây Atiso từ đặc điểm, cách trồng, chăm sóc và công dụng ở trên sẽ mang lại giá trị hữu ích cho bạn. Hãy thường xuyên ghé thăm Nuoitrong.com để cập nhật thêm nhiều thông tin về các loại cây nhé!