Từ thời xa xưa, người Việt đã có thói quen sử dụng Lá Mơ như một loại gia vị và bài thuốc có tác dụng chữa bệnh. Mặc dù chỉ là một loại rau thông thường, mọc ven bờ tường hoặc hàng rào nhưng lá mơ lại có thể hỗ trợ trong điều trị nhiều loại bệnh. Hãy cùng Nuoitrong.com khám phá cách trồng, cách chăm sóc cũng như những tác dụng của lá mơ và cách sử dụng chúng nhé!
Đặc điểm, nguồn gốc Lá Mơ
Lá Mơ hay còn được gọi là mơ leo, mơ lộng…có tên khoa học là Paederia tomentosa, thuộc họ cà phê. Loài cây này không chỉ được trồng để sử dụng như một loại rau gia vị mà còn được coi là một loại vị thuốc quý. Với dạng dây leo linh hoạt, Lá Mơ dễ trồng và phát triển mạnh mẽ.
Lá của cây mơ lông mọc đối nhau, có hình trứng và đầu lá nhọn. Bề mặt trên của lá mơ lông có màu xanh, trong khi bề mặt dưới có màu tím và được phủ một lớp lông mịn. Khi lá bị vò nát, một mùi khá đặc trưng xuất hiện, có thể là hơi hôi. Do đó, cây mơ lông còn được biết đến với tên gọi “cây thúi địch”.
Lá của loại cây này là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, thân và dễ của cũng cũng rất hữu dụng nhưng ít được sử dụng hơn. Lá của chúng mọc quanh năm và hay được dùng tươi. Thân và rễ thường được cắt ngắn và sử dụng tươi hoặc phơi khô để bảo quản sử dụng theo từng đợt.
Chuẩn bị trước khi trồng Lá Mơ
Lá Mơ là loại cây dễ trồng và thích nghi tốt trên nhiều loại đất khác nhau. Từ đó sẽ giúp quá trình chăm sóc trở nên thuận tiện.
Để tạo ra môi trường trồng lý tưởng, bạn có thể mua đất đã trộn sẵn từ các cửa hàng hoặc tự trộn đất với phân bò, phân gà đã ủ hoai mục hoặc phân trùn quế, vỏ trấu, mùn hữu cơ để cung cấp thêm dưỡng chất cho đất. Ngoài ra, bạn cũng nên bón lót vôi và để đất phơi ải ít nhất 15 ngày trước khi trồng sẽ giúp nâng cao chất lượng đất.
Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng các vật liệu như bao xi măng, chậu hoặc khay, thậm chí là thùng xốp có sẵn trong nhà. Trong trường hợp trồng trong chậu hoặc khay, bạn cần đục lỗ ở đáy để đảm bảo thoát nước hiệu quả.
Khi chọn giống Lá Mơ, bạn nên ưu tiên những cây mẹ khỏe mạnh, có ít nhất một năm tuổi để đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt khi trồng. Ngoài ra để tạo giống, bạn có thể cắt những đoạn dây bánh tẻ có chiều dài khoảng 30cm từ cây mẹ.
Cách trồng và chăm sóc Lá Mơ ngay tại nhà
Để tạo cây giống, bạn cần sử dụng dao hoặc kéo để cắt hom, chiều dài khoảng 30cm và mỗi hom nên có khoảng 3 mắt lá. Hơn nữa, bạn cũng nên tỉa bớt lá trên hom, chỉ để lại khoảng 1/3 lá, sau đó giâm xuống luống. Luống giâm cần đảm bảo độ ẩm vừa phải. Sau khi giâm, bạn nên tưới nước thường xuyên để hom có rễ ổn định trước khi chuyển sang quá trình trồng.
Trong giai đoạn đầu, bạn cần tưới nước ít nhất một lần mỗi ngày để thúc đẩy hạt nảy mầm và phát triển. Đồng thời lưu ý che chắn mưa và nắng để bảo vệ cây. Khi mầm cây đạt khoảng 10cm, lúc này bạn nên sử dụng cọc tre để cắm giàn cho cây leo. Đồng thời bạn cũng có thể sử dụng hàng rào hoặc cây thân gỗ xung quanh để hỗ trợ cây mơ leo.
Ngoài ra, để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển, bạn cần thường xuyên làm sạch cỏ và vun xới đất quanh cây. Sau khoảng một tháng sau khi trồng, bạn hãy bón phân hữu cơ, phân bò hoặc phân trùn quế để cung cấp dưỡng chất, đồng thời lặp lại quá trình bón phân mỗi hai tháng.
Nếu chăm sóc đúng cách và có điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khoảng hai tháng, Lá Mơ sẽ trở nên tươi tốt và bạn có thể thu hoạch bất cứ lúc nào. Hãy hái lá khi cần sử dụng, và cây sẽ cung cấp nguồn thực phẩm quanh năm.
Công dụng của Lá Mơ
Theo y học cổ truyền, Lá Mơ có hương vị đắng xen lẫn chát, có tính mát và tỏa ra một mùi đặc trưng có thể khó chịu đối với nhiều người. Ngoài ra, các nghiên cứu y học hiện đại đã xác định rằng lá mơ chứa nhiều thành phần quan trọng như tinh dầu, protein, vitamin C, caroten,… giúp lá mơ mang lại nhiều tác dụng như:
– Lá Mơ được sử dụng trong Đông y với nhiều mục đích, bao gồm sát khuẩn, thanh nhiệt, giải độc, trừ phong, hoạt huyết và chữa đầy hơi cũng như khó tiêu. Ngoài ra, lá mơ cũng được ứng dụng trong điều trị tiêu chảy, hỗ trợ điều trị đi ngoài có máu và kiết lỵ.
– Loại lá này cũng có ảnh hưởng tích cực giúp giảm ho và đờm, hỗ trợ điều trị các tình trạng ho do viêm phế quản. Hơn nữa, hoạt chất Sulfur dimethyl disulphide trong lá mơ có tính chất kháng khuẩn và kháng viêm, giúp tiêu diệt vi khuẩn trong đường tiêu hóa, hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích.
– Ngoài ra, chúng còn chứa các thành phần kháng viêm giúp trung hòa acid dạ dày, giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị tổn thương nội mạc dạ dày. Bài thuốc được sử dụng từ xa xưa sử dụng lá mơ để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày, chữa viêm đại tràng và điều trị các vấn đề như sa trực tràng đã được thế hệ ông cha truyền lại.
– Bên cạnh đó, alkaloid có trong Lá Mơ giúp giảm tác động của các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Hơn nữa, bạn cũng có thể sử dụng lá mơ để chữa trị viêm họng.
Cách sử dụng Lá Mơ để chăm sóc sức khỏe
Lá Mơ thường xuất hiện trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến thường sử dụng:
5.1 Bài thuốc trị giun
Để chữa trị giun kim và giun đũa, bạn có thể sử dụng khoảng 50g lá mơ sạch, nhuyễn nhỏ kèm theo một lượng nhỏ muối, sau đó vắt lấy nước cốt để uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn lá mơ tươi sống. Hãy sử dụng phương pháp này vào 3 buổi sáng liên tiếp khi dạ dày còn trống rỗng.
Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng phương pháp bơm nước cốt lá mơ lông vào hậu môn vào buổi tối trước khi đi ngủ để giúp chữa trị. Sau khi thực hiện quá trình bơm nước thuốc thì cần giữ lại từ 15 – 20 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
5.2 Bài thuốc chữa kiết lỵ
Các thành phần tương tự như kháng sinh có trong Lá Mơ mang lại tác dụng diệt khuẩn lỵ amip và shigella gây ra bệnh kiết lỵ.
Để điều trị chứng bệnh này, người bệnh nên sử dụng lá mơ lông, rửa sạch và thái nhỏ sau đó trộn cùng lòng đỏ trứng gà. Tiếp theo, sử dụng lá chuối tươi, rửa sạch và lót xuống đáy chảo. Hỗn hợp lá mơ và trứng được đổ lên trên lá chuối, đun trên lửa nhỏ cho đến khi chín sau đó lật mặt. Món ăn khi đã chín đều ở cả hai mặt là sẵn sàng để thưởng thức. Bạn hãy ăn món này khi nóng và duy trì ăn liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày để giảm các triệu chứng của kiết lỵ và một số bệnh đường ruột khác.
5.3 Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp
Đối với bệnh phong thấp và đau nhức xương khớp, có ba cách khác nhau sử dụng Lá Mơ để giảm các triệu chứng:
– Hằng ngày, người bệnh có thể sắc nước từ thân và lá để sử dụng.
– Lá được giã nát và hãm như hãm trà với nước sôi. Sau đó, người bệnh rót nước lá vào cốc, thêm một ít rượu và uống.
– Thân và lá cây được cắt thành khúc ngắn, sau đó phơi hoặc sấy khô. Một lượng khoảng 1kg lá khô được ngâm trong 2 lít rượu gạo trắng, khoảng 10 ngày là có thể sử dụng. Người bệnh uống 1-2 ly nhỏ mỗi ngày và sử dụng loại rượi này để xoa bóp xương khớp đau nhức.
5.4 Bài thuốc chữa viêm đại tràng
Lá Mơ được biết đến với khả năng chữa trị hiệu quả đối với viêm đại tràng. Đối với những người thường xuyên gặp đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn thức ăn lạ hoặc trải qua các triệu chứng như đầy bụng và chướng hơi có thể sử dụng loại lá này.
Bạn hãy hái lá và rửa sạch, thái nhỏ và trộn cùng nước cốt gừng tươi và trứng gà. Hỗn hợp này được đặt vào hấp cách thủy và khi món ăn chín, bạn nên ăn ngay khi còn nóng. Bạn cần thực hiện quy trình này mỗi ngày, ăn 1 lần trong suốt 15 ngày liên tiếp để giúp giảm các triệu chứng trên.
Một số chú ý khi chữa bệnh từ Lá Mơ
Lá Mơ được biết đến với nhiều công dụng hữu ích, tuy nhiên khi sử dụng, bạn cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng:
– Bạn cần đảm bảo chọn những lá không bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi sử dụng, bạn hãy rửa sạch lá mơ và ngâm lá trong nước muối loãng khoảng 10 phút để loại bỏ bụi bẩn và tăng cường sự an toàn.
– Các bài thuốc từ loại cây gia vị này thường chỉ có tác dụng giảm triệu chứng bệnh và không thể chữa trị bệnh tận gốc. Do đó, khi có vấn đề về sức khỏe, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ. Đồng thời sử dụng bài thuốc từ lá mơ chỉ nên được coi là phương pháp điều trị bổ trợ.
– Để tránh tương tác không mong muốn giữa các thành phần trong loại lá này và thuốc chữa bệnh Tây y, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc chuyên gia y tế trước khi bắt đầu sử dụng lá mơ cho mục đích điều trị, từ đó sẽ giúp đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Lời kết
Chắc chắn sau khi đọc nội dung bài viết, bạn đã hiểu về cách trồng và chăm sóc Lá Mơ. Ngoài ra, chúngcòn được sử dụng trong nhiều bài thuốc truyền thống để chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế và không nên tự ý kết hợp các thành phần khác nhau một cách tùy tiện để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn!