Nấm Hương với hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao nên từ lâu đã rất được ưa chuộng. Trước đây, chúng thường được trồng với mục đích thương mại và tạo ra nguồn kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay trồng nấm hương tại nhà đang trở nên phổ biến hơn. Vậy làm thế nào để được thu hoạch nhanh chóng và nấm chất lượng? Vậy thì hãy cùng với Nuoitrong.com khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm, nguồn gốc Nấm Hương
Nấm Hương có nguồn gốc bản địa ở khu vực Đông Á, đặc biệt phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thường mọc hoang dại ở các vùng quê và nông thôn. Trong tự nhiên, chúng thường ký sinh trên các loại cây như sồi, phong, dẻ, đó là bởi các cây lá to cung cấp môi trường lý tưởng cho sự phát triển của chúng. Thời gian trưởng thành của nấm thường kéo dài từ 5 đến 7 năm, có thể là do có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp từ các loại cây ký sinh.
Hiện nay, trồng Nấm Hương theo mô hình nông nghiệp đã trở thành một phương thức phổ biến tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Mỹ và một số quốc gia khác. Từ đó sẽ giúp cung cấp sản lượng ổn định, đảm bảo chất lượng và an toàn hơn so với khi lấy từ tự nhiên. Hơn nữa, các vùng có khí hậu lạnh như Sapa ở nước ta thường được ưu tiên để trồng loại nấm này.
Nấm Hương có hình dạng đặc trưng như một cây có tán rộng, chân nấm và thân nấm đính vào giữa phần dưới tai nấm tạo nên hình dạng giống như một cái ô dù. Chân nấm thường dài khoảng 1 – 3cm và có màu trắng.
Mặt trên mũ nấm có màu nâu nhạt với các đốm vảy màu trắng xen kẽ, trong khi mặt dưới thường có nhiều bản đường xếp mỏng. Đường kính của mũ nấm dao động từ 5 – 10cm, tùy thuộc vào loại to nhỏ. Màu sắc của mũ nấm thường từ nâu nhạt khi còn non, chuyển sang màu nâu đậm khi trưởng thành để dễ phân biệt.
Cách trồng và chăm sóc Nấm Hương bằng mùn cưa
Khi trồng và chăm sóc Nấm Hương bằng mùn cưa, bạn cần đảm bảo thực hiện đúng kĩ thuật theo từng bước sau:
2.1 Xử lý mùn cưa
Để trồng Nấm Hương, mùn cưa cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo độ ẩm khoảng 70%, không chứa tinh dầu, không bị mốc và không có hóa chất. Quá trình chuẩn bị này bao gồm việc ủ mùn cưa trong khoảng thời gian 4 – 6 ngày, cùng với đảo một lần cứ sau 2 – 3 ngày.
Hơn nữa, xử lý mùn cưa trước khi trồng nấm là bước quan trọng nhằm đảm bảo tỷ lệ sống và chất lượng của nấm sau này.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị túi nilon chịu nhiệt có kích thước chiều rộng 25cm và chiều dài 40cm. Sau khi ủ, mùn cưa được trộn với 3% bột nhẹ CaCO3 hoặc 1,5% vôi bột, và sau đó đóng vào mỗi túi khoảng 1,5kg mùn cưa. Túi được thắt chặt bằng ống nhựa và bông, sau đó thực hiện thanh trùng túi mùn cưa theo một trong hai phương pháp sau:
– Sử dụng nồi Autoclave để hấp túi mùn cưa với nhiệt độ 121 độ C trong khoảng 90 phút.
– Trong trường hợp trồng Nấm Hương với số lượng lớn, bạn có thể xây lò hoặc hấp trong thùng phuy theo cách sau: sử dụng chảo ngang làm đáy, quấn tôn xung quanh, cách nhiệt bằng amiăng và bông thủy tinh, sau đó xây gạch bọc bên ngoài. Túi mùn cưa được xếp vào thùng hấp và hấp trong khoảng 10 – 12 giờ kể từ khi nhiệt độ đạt 100 độ C. Nhiên liệu dùng để đốt có thể là than hoặc củi.
Khi hoàn thành quá trình thanh trùng, các túi mùn cưa được lấy ra và đặt ở vị trí sạch sẽ cho đến khi nguội.
2.2 Cây giống
Cây giống Nấm Hương được chuyển từ các tủ cấy vô trùng vào túi mùn cưa đã qua xử lý. Bạn cần lưu ý rằng tỷ lệ cây giống trong mỗi túi là khoảng 2,5 đến 3% so với lượng nguyên liệu ban đầu.
2.3 Cách ươm túi mùn cưa sau khi cấy giống
Sau khi các túi mùn cưa đã được cấy giống, chúng được chuyển vào nhà ươm được bảo quản thoáng mát, sạch sẽ và không có ánh sáng. Để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho nấm, nhà ươm cần được bố trí thành từng tầng giàn với khoảng cách 50cm giữa các tầng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.
Các túi mùn cưa đã cấy giống được xếp lên từng tầng giàn với khoảng cách 7 – 10cm giữa chúng. Quá trình ươm diễn ra ở nhiệt độ từ 24 đến 26 độ C, kéo dài trong khoảng thời gian từ 60 đến 70 ngày.
Khi sợi nấm bắt đầu phát triển và ngấm vào mùn cưa, chúng sẽ tạo ra một màu trắng đồng nhất. Trong giai đoạn này, bạn cần đảm bảo sự thông thoáng trong nhà ươm và phòng trừ các loại chuột gây hại. Hơn nữa bạn cũng cần kiểm tra định kỳ để phát hiện và loại bỏ kịp thời các túi mùn bị nhiễm bệnh hoặc bị nhiễm khuẩn do nấm mốc.
2.4 Cách chăm sóc
Sau khi nấm đã phát triển trong quá trình ươm, bạn cần chuyển các túi mà sợi nấm đã mọc kín đáy sang một phòng khác có ánh sáng, nhiệt độ dao động khoảng 16 – 18 độ C và độ ẩm không khí trên 80%.
Trong giai đoạn này, bạn cần tháo bông và mở miệng túi ra rộng, sau đó tưới nước bằng cách phun sương đều đặn khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày. Khoảng 15 ngày sau, khi nấm hương bắt đầu phát triển nhiều hơn và lớn dần, lúc này bạn cần điều chỉnh nhiệt độ trong khoảng từ 13 đến 25 độ C trong vòng 8 – 12 tiếng để kích thích sự hình thành quả thể mạnh mẽ hơn.
2.5 Thu hoạch
Sau khoảng 4 đến 5 tháng nuôi trồng và chăm sóc, bạn có thể bắt đầu thu hoạch nấm hương. Trong suốt quá trình này, bạn cũng cần chú ý chăm sóc tuân thủ đúng kỹ thuật để đạt được hiệu quả tối đa.
Mỗi lần thu hoạch có thể mang lại khoảng 600 đến 800 gram nấm hương mỗi túi. Nấm hương sau khi thu hoạch có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc được sấy khô ở nhiệt độ khoảng 40 đến 45 độ C. Trong trường hợp sấy khô, bạn cần bảo quản trong túi nilon và buộc kín miệng để tránh sự phát triển của nấm mốc.
Cách trồng và chăm sóc Nấm Hương bằng gỗ
Đối với Nấm Hương được trồng trên gỗ, quy trình trồng và chăm sóc sẽ tuân theo các yếu tố sau đây:
3.1 Xử lý gỗ
Trước khi bắt đầu quá trình trồng Nấm Hương, bạn cần lựa chọn loại gỗ phù hợp. Gỗ có thể là khô hoặc tươi nhưng phải đảm bảo không bị nhiễm sâu bệnh và không chứa tinh dầu. Một số loại gỗ phổ biến được sử dụng để trồng nấm hương bao gồm gỗ sồi, gỗ dẻ, gỗ sao sau,…
Quá trình chặt gỗ để trồng nấm hương thường được thực hiện vào đầu xuân (tháng 4 dương lịch) hoặc mùa thu đông (tháng 10 – 11). Bạn nên lựa chọn những đoạn gỗ thẳng và cắt thành các khúc dài khoảng 1 – 1,2m và đường kính từ 5 – 20cm sao cho lớp vỏ không bị xây xát.
Sau khi chặt, gỗ cần được đặt trong môi trường trong nhà thoáng mát và sạch sẽ. Khoảng 5 – 10 ngày sau đó, gỗ được rửa sạch và sau đó quét nước vôi đặc lên hai đầu của từng khúc gỗ. Tiếp theo, tạo các lỗ trên gỗ với đường kính khoảng 1,5cm và sâu 3 – 4cm bằng cách sử dụng khoan hoặc búa chuyên dụng. Đồng thời các lỗ được đục sao cho khoảng cách giữa chúng là 15 – 20cm và mỗi hàng lỗ cách nhau khoảng 7 – 10cm.
3.2 Cây giống
Đối với cây giống Nấm Hương cần đảm bảo sức khỏe và không bị tác động bởi sâu bệnh cũng như nên bảo quản chúng trong môi trường vô trùng. Để đảm bảo chất lượng, bạn có thể mua cây giống từ các cửa hàng uy tín để có thể được tư vấn chi tiết và an toàn khi chọn mua.
3.3 Cách ươm
Sau các bước chuẩn bị, quá trình ươm giống Nấm Hương bắt đầu. Đầu tiên, bạn cần tra giống nấm vào gần đầy miệng lỗ trên gỗ, sau đó sử dụng phôi gỗ để đậy kín lại. Đồng thời đảm bảo chia đều 3kg giống cho mỗi khúc gỗ và sau đó sử dụng xi măng hòa cùng nước để làm vữa trát tường quét đều trên miệng nắp gỗ.
Tiếp theo, gỗ được xếp thành đống cao 1,5cm theo kiểu cũi lợn sao cho cách mặt đất khoảng 15 – 20cm. Đồng thời các bao tải gai được sử dụng để phủ kín đống gỗ.
Trong giai đoạn ươm giống, bạn cần tưới nước mỗi ngày, đồng thời đảm bảo tưới đủ để lớp bao tải được ướt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không tưới quá nhiều để tránh nước thấm vào thân gỗ gây hại cho giống nấm. Hơn nữa, định kỳ hai tháng, đống gỗ cần được đảo và kiểm tra độ ẩm một lần. Nếu gỗ quá khô, bạn cần tưới phun sương xung quanh thân gỗ để tạo độ ẩm, sau đó đống được ủ lại như ban đầu.
Thời gian ươm giống có thể dao động từ 6 – 16 tháng tùy thuộc vào loại gỗ sử dụng. Trong quá trình này, bạn cần thực hiện biện pháp phòng trừ chuột và côn trùng. Hơn nữa, nếu phát hiện khúc gỗ bị bệnh hoặc nấm mốc thì cần lấy ra khỏi đống ủ ngay để tránh lây lan.
3.4 Cách chăm sóc
Quá trình hình thành thể quả của Nấm Hương bắt đầu từ bề mặt của thân gỗ, nơi sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu hồng nhạt, đó là mầm nấm. Sau vài ngày, những mầm nấm này sẽ phát triển lớn dần, trở thành những đám nấm nhỏ giống như hạt ngô, và sau đó dần dần hình thành thành cây nấm hoàn chỉnh.
Sau giai đoạn ươm giống, bạn cần dựng các khúc gỗ theo kiểu giá súng với khoảng cách giữa các hàng là từ 50 đến 60cm. Gỗ có thể được đặt trong một không gian thoáng mát, có mái che, độ ẩm cao và ánh sáng khuếch tán. Đồng thời tiếp tục tưới ẩm nhẹ nhàng lên thân gỗ mỗi ngày khoảng 2 – 3 lần. Ngoài ra, bạn cũng cần đảo đầu khúc gỗ khoảng 2 tháng một lần để đảm bảo độ ẩm được phân phối đồng đều.
3.5 Thu hoạch
Sau quá trình chăm sóc và quan sát, khi các Nấm Hương đạt kích thước tiêu chuẩn và đồng đều, bạn có thể tiến hành thu hoạch. Trong phương pháp trồng nấm hương bằng gỗ, thời gian thu hoạch thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng mỗi năm. Lưu ý rằng khi nhiệt độ vượt quá 20 độ C, bạn cần xếp gọn lại gỗ và tiến hành ươm như khi mới cấy giống, khi đến mùa lạnh năm sau thì tiếp tục chăm sóc và thu hoạch.
Ngoài ra, khi thu hái Nấm Hương, bạn nên dùng một tay đè nhẹ vào điểm gần cuống và tay còn lại xoay nhẹ để nấm được hái mà không làm hỏng phần cuống. Sau đó, bạn cắt bỏ phần gốc còn bám vào thân gỗ. Nấm hương sau khi thu hoạch có thể được sử dụng và bảo quản tuỳ thuộc vào nhu cầu và mục đích của gia đình.
Công dụng của Nấm Hương
Nấm Hương dù là tươi hay sấy khô thì đều chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời mà ít người ngờ tới.
4.1 Tốt cho hệ miễn dịch
Một trong những lợi ích phổ biến nhất khi sử dụng Nấm Hương là khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt nhờ vào các hợp chất polysaccharid có trong nấm. Theo nhiều nghiên cứu, polysaccharide đã được chỉ ra là có tác động trực tiếp đến phản ứng miễn dịch bằng cách ảnh hưởng đến các phản ứng gen trong ruột non, manh tràng và ruột kết.
Một nghiên cứu tiến hành trên 22 người, có độ tuổi từ 21 đến 41 tuổi và cả nam lẫn nữ đã tiêu thụ hàng ngày 5 hoặc 10g nấm hương trong suốt 4 tuần. Kết quả cho thấy một số dấu hiệu liên quan đến hệ miễn dịch đã được cải thiện một cách tích cực, đặc biệt là mức độ viêm đã giảm đáng kể.
4.2 Tăng cường sức khỏe tim mạch
Nhờ chứa các hợp chất nổi bật như eritadenine, sterol và chất xơ beta glucan, nhiều đánh giá đã chỉ ra rằng việc sử dụng Nấm Hương có thể giúp giảm cholesterol, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch được tốt hơn.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên chuột đã cho thấy rằng việc bổ sung nấm hương vào chế độ ăn của chuột có gan bị nhiễm mỡ dẫn đến ít mảng bám hơn trên thành động mạch, cũng như hàm lượng cholesterol thấp hơn so với nhóm chuột không được bổ sung nấm. Những kết quả này cho thấy khi bổ sung nấm hương có thể mang lại lợi ích rất lớn giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
4.3 Giúp kháng khuẩn
Năm 2011, một nghiên cứu được tiến hành tại Học viện Nha khoa UCL Eastman ở Anh nhằm kiểm tra tác dụng kháng khuẩn của Nấm Hương đối với bệnh viêm nướu.
Hiệu quả của nấm hương đã được so sánh với thành phần hoạt tính trong nước súc miệng hàng đầu về viêm nướu chứa chlorhexidine. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng chất chiết xuất từ nấm hương đã làm giảm số lượng của một số vi sinh vật gây bệnh mà không ảnh hưởng đến các vi sinh vật liên quan đến sức khỏe.
Ngoài ra, nấm hương được cho là có hiệu quả kháng khuẩn đáng kể nhờ vào các thành phần như axit oxalic, lentinan, centinamycins A và B (có tính kháng khuẩn) cũng như eritadenine (có tính kháng vi-rút).
4.4 Giảm nguy cơ mắc ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Nấm Hương có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u khi được thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, tác dụng này đối với con người cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nguyên nhân của hiệu quả này được cho là do khả năng tăng cường hệ miễn dịch của nấm hương.
Ngoài ra, chất lentinan có trong nấm cũng đã được chỉ ra là có khả năng ngăn chặn và làm chậm quá trình phát triển của ung thư bằng cách kích hoạt một số tế bào và protein tấn công căn bệnh này mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Do đó, nấm hương được xem là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
4.5 Giúp chống oxi hóa
Nấm Hương là nguồn cung cấp L-ergothioneine là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm chứa L-ergothioneine nhiều hơn cả gan gà và phôi lúa mì. Trong số các loại nấm, nấm hương được xác định chứa lượng L-ergothioneine cao nhất so với các loại nấm khác.
4.6 Tốt cho xương khớp
Dưới tác động của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời, chất ergosterol có trong Nấm Hương sẽ được chuyển hóa thành vitamin D2 – một loại vitamin quan trọng giúp tăng cường sức khỏe xương. Do đó, loại nấm này cũng có thể đóng vai trò giúp phòng và chống bệnh còi xương.
Ngoài ra, cung cấp đủ lượng vitamin D cũng giúp điều chỉnh và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, duy trì trọng lượng cơ thể và duy trì chức năng não cho người già, cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen, làm giảm nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ và giảm nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng.
4.7 Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Nấm Hương là một nguồn cung cấp vitamin B quan trọng, có vai trò hỗ trợ chức năng thượng thận và quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm thành năng lượng để sử dụng. Hơn nữa, loại nấm này cũng được biết đến với khả năng cân bằng hoocmon tự nhiên và giúp giải quyết chứng rối trí não, giúp duy trì sự tập trung suốt cả ngày và cải thiện hiệu suất nhận thức.
4.8 Tốt cho làn da
Khi selen được kết hợp với vitamin A và E sẽ có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và làm giảm vết sẹo có thể xuất hiện sau đó. Mỗi 100g nấm hương chứa khoảng 5,7 miligam selen, tương đương với 8% lượng selen hàng ngày được khuyên dùng, do đó đây có thể được coi là một phương pháp tự nhiên để điều trị mụn trứng cá.
Trong một thử nghiệm mở, 29 bệnh nhân đã được điều trị với liều lượng 0,2 mg selen và 10 mg tocopheryl succinate hai lần mỗi ngày trong khoảng từ 6 đến 12 tuần. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân ghi nhận kết quả tích cực. Ngoài ra, kẽm trong nấm hương cũng được biết đến là tăng cường chức năng miễn dịch và làm giảm tổng hợp DHT, từ đó giúp cải thiện tình trạng da.
4.9 Bổ sung máu cho cơ thể
Nấm Hương chứa hàm lượng sắt cao, giúp cơ thể tái tạo hồng cầu, từ đó tăng cường quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
Ngoài ra, vitamin B có trong nấm cũng giúp cơ thể tạo ra năng lượng và sản sinh các tế bào máu mới, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thiếu máu.
Bên cạnh đó, Nấm Hương còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt cho cơ thể, hỗ trợ quá trình trao đổi chất nhờ vào hàm lượng đạm dồi dào.
4.11 Có lợi cho gan
Nấm Hương cũng được biết đến với khả năng giảm thiểu lượng các chất carbon tetrachloride và prednisone trong tế bào gan, giúp bảo vệ gan một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nấm hương còn giúp tăng cao lượng glucogen trong gan, từ đó có thể giúp giảm men gan và cải thiện chức năng gan một cách đáng kể.
Đặc biệt, nấm hương cũng có tác dụng giải độc gan tốt và làm giảm lượng cholesterol trong máu nhờ vào chất fruitamin.
Có nên ăn nhiều Nấm Hương không?
Nấm Hương là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể, nhưng điều này chỉ đúng khi bạn tiêu thụ chúng đúng cách với lượng phù hợp. Hơn nữa, ăn quá nhiều nấm không phải là điều tốt, ngược lại có thể dẫn đến ngộ độc và đau bụng. Điều quan trọng là phải nhớ rằng, các sản phẩm tự nhiên không luôn an toàn và cần phải sử dụng chúng với liều lượng hợp lý.
Lượng nấm cần ăn mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đủ thông tin khoa học để xác định một liều lượng cụ thể cho việc sử dụng nấm. Do đó, khi tiêu thụ nấm, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Tác dụng phụ khi ăn Nấm Hương
Mặc dù Nấm Hương rất an toàn khi chúng được nấu chín, tuy nhiên, lạm dụng hoặc sử dụng sai cách có thể gây ra một số phản ứng phụ, bao gồm:
– Không an toàn nếu chưa được chế biến kỹ.
– Gây ảnh hưởng xấu tới dạ dày và có thể gây sưng da (viêm), cũng như có thể gây ra các vấn đề liên quan đến máu.
– Nấm hương có thể làm cho cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng, gây dị ứng trên da hoặc gây ra một số vấn đề về đường hô hấp.
– Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Hiện chưa có các nghiên cứu kiểm chứng về mức độ an toàn khi sử dụng nấm hương. Tuy nhiên, bạn nên chú ý cách chế biến và lượng sử dụng để đảm bảo an toàn.
– Đối với những người mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp,… Nấm hương có thể làm hoạt động của hệ thống miễn dịch tăng lên, từ đó làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.
– Rối loạn máu như hội chứng tăng bạch cầu ái toan: Sử dụng nấm hương cũng có thể làm nặng thêm bệnh.
Một số lưu ý khi sử dụng Nấm Hương
Khi sử dụng Nấm Hương, có một số lưu ý quan trọng mà bạn cần tham khảo:
– Đảm bảo nấm hương tươi: Bạn cần chọn những cây nấm hương tươi, tránh ăn những cây nấm có màu sắc lạ, mục nát bởi có thể gây hại cho sức khỏe.
– Rửa sạch: Rửa sạch nấm trước khi nấu để loại bỏ bụi bẩn và các hóa chất dư thừa. Tuy nhiên, không nên ngâm nấm trong nước quá lâu vì có thể làm mất dưỡng chất bên trong.
– Kiểm tra phần gốc: Phần gốc của nấm thường rất cứng và gồ ghề, không thể ăn được vì có thể gây tiêu chảy.
– Sơ chế đúng cách: Bạn cần biết cách sơ chế và nấu chín nấm để đảm bảo an toàn về sức khỏe.
– Nấm hương có thể kết hợp trong nhiều món ăn khác nhau như súp, xào, nướng, tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.
– Tránh ăn quá nhiều: Dù nấm hương giàu dinh dưỡng nhưng không nên lạm dụng bởi có thể gây hại cho sức khỏe.
– Thận trọng với dị ứng: Bạn cần kiểm tra kỹ khi sử dụng nấm nếu có ai trong gia đình bị dị ứng với nấm.
– Lưu trữ đúng cách: Nếu không sử dụng hết, bảo quản nấm trong túi nilon hoặc hộp đựng kín nắp trong tủ lạnh để giữ cho nấm luôn tươi ngon.
Lời kết
Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ trên, bạn sẽ có kiến thức cần thiết để bắt đầu trồng Nấm Hương ngay tại nhà. Chúng tôi luôn mong bạn có thể thành công trong việc trồng và thu hoạch nấm hương, và hy vọng bạn sẽ đạt được năng suất cao sau khi áp dụng phương pháp trồng nấm mà chúng tôi đã chia sẻ chi tiết ở bài viết này!