Quy trình trồng Nấm Rơm đơn giản tại nhà cho năng suất cao

Nấm Rơm là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và rất phổ biến trong ẩm thực nước ta. Chúng có nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe, dễ chế biến lại rất thơm ngon nên thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, liệu quá trình trồng và chăm sóc nấm rơm có phức tạp và tốn kém không? Hãy cùng Nuoitrong.com tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Đặc điểm, nguồn gốc Nấm Rơm

Nấm Rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea, thuộc họ nấm ăn Pluteaceae, thường sinh trưởng ở những vùng có khí hậu nóng ẩm, chủ yếu tập trung ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, và ôn đới thuộc khu vực Đông Nam Á.

Nấm Rơm tươi có kích thước gần bằng ngón tay cái và rất phổ biến trong ẩm thực Châu Á. Ở nhiều khu vực, chúng còn được bán dưới dạng đóng hộp hoặc nấm sấy. Mặc dù đã có những kế hoạch để trồng nấm rơm tự nhiên ở miền nam Hoa Kỳ, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được thành công.

Những cây nấm này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như nấm rơm lúa, nấm cỏ, nấm phụ tử, nấm ngọc cẩu và nấm Trung Quốc. Tên gọi “nấm rơm lúa” là bởi khả năng phát triển tốt của chúng trên rơm rạ, trong khi tên “nấm Trung Quốc” liên quan đến loại nấm này được trồng nhân tạo lần đầu tiên tại Trung Quốc.

Nấm Rơm thuộc loài thực vật kỵ khí, thường mọc thành chùm hoặc cụm trên lá mục, gỗ mục, dăm gỗ, phân động vật, cây cỏ và nấm có khả năng sinh sôi, phát triển quanh năm. Ngoài ra, nhiệt độ tốt nhất để loại nấm này phát triển là từ 28 đến 35 °C.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 1

Nấm Rơm còn có các tên gọi khác như nấm rơm lúa, nấm cỏ, nấm phụ tử, nấm ngọc cẩu và nấm Trung Quốc

Chuẩn bị trước khi trồng Nấm Rơm

Trước khi trồng Nấm Rơm, bạn cần chuẩn bị kĩ các yếu tố sau đây:

2.1 Thời vụ trồng

Nấm Rơm có thể trồng xuyên suốt cả năm. Trong mùa đông xuân và những ngày giáp Tết nguyên đán khi thời tiết lạnh thì cần phải đối mặt với gió lạnh bằng cách chắn gió, giữ ấm và tạo điều kiện cho sự phát triển của mô nấm.

Ngoài ra, trong mùa mưa, bạn cần đặt mái che hoặc tủ rơm dày sẽ giúp giảm độ ẩm, đồng thời giúp nâng cao nền mô để tránh tình trạng ngập úng. Hơn nữa ở những vùng có gió mạnh thì nên xây dựng rào chắn gió và sắp xếp các mô nấm theo hướng thẳng góc với đường gió là rất quan trọng.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 2

Bạn có thể trồng Nấm Rơm xuyên suốt cả năm, tuy nhiên cần có sự chú ý vào từng mùa vụ cụ thể

2.2 Vị trí trồng

Bạn cần chọn một vị trí tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp để ngăn chặn ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm. Đồng thời đảm bảo rằng vị trí này thoáng mát và sạch sẽ để ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh.

Rơm có thể được đặt ở nhiều địa điểm khác nhau như xung quanh nhà, trong vườn cây, trên nền đất gạch, xi măng hoặc đặt trên kệ, thậm chí trong bọc nylon. Hơn nữa, địa điểm phải là một bề mặt phẳng, khô ráo để tránh tình trạng ngập úng trong mùa mưa.

Nếu có thể, bạn hãy chọn một vị trí gần nguồn nước tưới tiêu để thuận lợi cho quá trình chăm sóc, tưới tiêu cũng như quá trình thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho quá trình trồng.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 3

Bạn cần tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp khi trồng Nấm Rơm

2.3 Vật liệu trồng

Có nhiều vật liệu khác nhau mà bạn có thể sử dụng để trồng Nấm Rơm bao gồm rơm rạ, bã mía, thân và lá chuối, lục bình và bông gòn. Tuy nhiên, phổ biến nhất là sử dụng rơm rạ.

Chất nấm có thể được tạo thành từ rơm, lúa mùa, thân và lá của cây chuối, lục bình, hoặc bông gòn. Hơn nữa, rơm mới và tươi cũng như rơm rạ đã khô đều có thể sử dụng miễn là không bị mục nát (biến thành màu nâu đen) để đảm bảo năng suất không bị giảm sút.

Ngoài ra, quá trình chọn giống nấm cũng đóng vai trò quan trọng bởi giống nấm sẽ ảnh hưởng lớn đến thành công của phương pháp trồng nấm rơm tại nhà. Bạn cần chọn giống nấm không bị nhiễm bệnh, không quá già hoặc quá non và có mùi thơm dễ chịu.

Hơn nữa, túi giống cần phải giữ được mùi trưng của giống nấm rơm, không có dấu hiệu loang lỗ và sợi nấm phải ăn kín ở đáy túi. Từ đó sẽ đảm bảo sự thành công và hiệu quả của quá trình trồng Nấm Rơm tại nhà của bạn.

Cách ủ rơm để trồng Nấm Rơm ngay tại nhà

Trước khi triển khai phương pháp trồng Nấm Rơm, bạn cần tiến hành thực hiện quá trình ủ rơm. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách ủ rơm để trồng nấm:

3.1 Ủ rơm thành đống

Phương pháp này áp dụng hiệu quả cho cả rơm tươi và rơm khô. Quy trình thực hiện như sau:

– Bước đầu tiên, rơm được chất thành một đống với chiều rộng khoảng 1,5 – 2m và chiều dài từ 4 – 8m. Trong quá trình xếp đống, mỗi lớp rơm có độ cao khoảng 20 – 30cm. Để đảm bảo sự thấm đều, sau mỗi lớp rơm, nước được tưới vào và sử dụng chân dậm để làm cho rơm nén chặt. Quá trình này tiếp tục cho đến khi đống rơm đạt độ cao từ 1,3 – 1,5m.

– Tiếp theo, một lớp nylon, rơm khô hoặc lá chuối được bọc quanh đống rơm để giữ ẩm và giữ nhiệt. Vài ngày sau giai đoạn ủ, nhiệt độ bên trong đống rơm tăng lên khoảng 60 – 70 độ C. Nhiệt độ này giúp tiêu diệt mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm rạ. Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm rơm hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển mạnh mẽ sau này.

– Sau khoảng 10 – 12 ngày ủ, đống rơm sẽ giảm kích thước xuống còn khoảng 0,8-1,0m. Lúc này, rơm đã được ủ thành phẩm và có thể được đưa ra sử dụng trên luống.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 4

Bạn cần thực hiện ủ rơm thành đống trước khi trồng Nấm Rơm

3.2 Xử lý nước vôi trước khi ủ

Để xử lý vôi trước khi ủ rơm, trước hết, bạn cần lựa chọn rơm và rạ khô để sử dụng. Rơm được ngâm trong nước vôi với tỉ lệ hợp lý, mỗi 3kg vôi cần 100 lít nước. Quá trình ngâm rơm được thực hiện sao cho rơm vừa ngập, không quá ít nước cũng như không quá nhiều.

Thời gian ngâm rơm trong nước vôi kéo dài từ 20 đến 30 phút, sau đó rơm được vớt ra để ráo nước. Rơm được sắp xếp thành đống có chiều rộng khoảng từ 1,5 đến 2m và chiều dài từ 4 đến 8m. Trong quá trình này, bạn cần dùng lá chuối hoặc rơm tủ để bao quanh và giữ lại độ ẩm, đồng thời giữ nhiệt.

Sau 5 – 6 ngày, đống rơm cần được kiểm tra lại. Khi rơm đã đạt độ ẩm đủ, bạn có thể kiểm tra bằng cách vắt vài cọng rơm. Nếu thấy nước nhỏ vài giọt khi vắt, đó là dấu hiệu rằng quá trình xử lý vôi đã đạt yêu cầu.

3.3 Điều kiện để rơm có thể trồng nấm

– Rơm đã mềm.

– Màu sắc của rơm vàng tươi.

– Hương thơm đặc trưng của rơm sau quá trình lên men đã xuất hiện. Quy trình ủ rơm để trồng nấm cũng không quá  phức tạp.

3.4 Cách chọn meo giống

Tiêu chí lựa chọn meo như sau: sợi tơ nấm màu trắng và khi mở nắp bịch tỏa ra mùi hương đặc trưng của nấm rơm. Tơ nấm phát triển đồng đều trên bề mặt của bịch meo.

Mặc dù có một số loại meo, khi tơ đã trưởng thành có thể tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu, tuy nhiên, chúng vẫn đảm bảo năng suất cao khi trồng nấm rơm. Mỗi bịch meo giống thường nặng khoảng 120g, có thể gieo trên mô nấm có kích thước rộng 0,5m, cao từ 0,4 đến 0,5m và chiều dài của liếp đạt từ 4 đến 5m.

Các bịch meo giống có màu đen, nâu, vàng cam đã bị nhiễm nấm dại và không nên sử dụng. Ngoài ra, bạn không nên chọn những bịch meo mà ở dưới đáy có dấu hiệu ướt, nhão và có mùi hôi chua.

3.5 Cách trồng Nấm Rơm

Trong quá trình lấy rơm từ đống đã ủ, trước hết, bạn cần dỡ bỏ lớp rơm ở phía ngoài của đống ủ. Rơm đã ủ bên trong được chọn lọc và mang đi để xếp thành mô trồng nấm. Bạn hãy lưu ý cố gắng hoàn thành xếp mô trong ngày và đặc biệt, đậy kín bằng lớp rơm đã dỡ để duy trì quá trình ủ.

Đối với chất mô nấm, có hai cách thực hiện:

– Cách 1: Rải một lớp rơm đã ủ lên mặt liếp, sau đó tưới nước và sử dụng tay để đè dẽ dặt, tạo ra một lớp có chiều rộng khoảng 50 cm và chiều cao 20 cm. Đồng thời rải meo giống dọc hai bên luống và cách mép luống 5-7cm. Tiếp tục lặp lại quy trình này cho mỗi lớp rơm tiếp theo. Trong trường hợp ủ ba lớp thì phía trên chỉ rãi rơm khô dày 4-5 cm. Hơn nữa, bạn cần tưới nước và vuốt mặt ngoài để đảm bảo mô láng và  gọn.

– Cách 2: Rơm sau khi ủ chín được cuốn thành từng bó có đường kính 15 – 20 cm và chiều dài từ 45 – 50 cm, sau đó xếp dẽ dặt từng lớp. Sau mỗi lớp rơm thì cần rãi meo dọc hai bên luống và cách mép luống 5-7cm. Tiếp tục xếp như trên cho các lớp rơm tiếp theo. Trong trường hợp ủ ba lớp thì phía trên chỉ rãi rơm khô dày 4-5cm. Đồng thời tưới nước và đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài để có mô láng và gọn.

Lưu ý: Tùy thuộc vào mùa, bạn cần điều chỉnh độ dày khi đậy mô để cho phù hợp. Trong mùa nắng, tủ rơm nên được làm mỏng để giúp thoát nhiệt. Ngược lại, trong mùa mưa hoặc mùa lạnh thì cần tăng độ dày của tủ rơm để giữ nhiệt và chống thấm nước.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 5

Bạn cần thực hiện đúng theo từng bước trồng nhằm giúp đạt năng suất cao nhất

Cách chăm sóc Nấm Rơm đúng kĩ thuật

Quá trình chăm sóc Nấm Rơm rất quan trọng và cần được thực hiện đúng theo các yếu tố sau:

4.1 Chăm sóc mô nấm

Khi trồng Nấm Rơm, bạn không cần sử dụng bất kỳ loại phân bón nào thêm vào đó. Bởi vì khi rơm rạ phân hủy thì sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây nấm phát triển.

Ngoài ra, quá trình sản xuất nấm đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ nhiệt độ và độ ẩm. Độ ẩm được coi là yếu tố quan trọng nhất bởi sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân hủy của rơm rạ, từ đó tạo ra nhiệt độ lý tưởng trong mô nấm. Nếu thừa ẩm thì nhiệt độ sẽ giảm xuống, gây ảnh hưởng đến mô nấm khiến chúng bị lạnh. Ngược lại, mô nấm sẽ trở nên khô cằn và nhiệt độ sẽ tăng lên.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 6

Bạn cần theo dõi chặt chẽ nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình chăm sóc

4.2 Giữ độ ẩm phù hợp

Khi kiểm tra mô nấm, bạn cần thực hiện bằng cách rút một nắm rơm ở vùng giữa luống, chứa khoảng 15-20 cọng, sau đó bóp chặt trong lòng bàn tay. Nếu nước hơi rỉ qua kẽ tay một cách vừa đủ thì đó là mức độ ẩm phù hợp.

Nếu không có nước rỉ qua, đó là dấu hiệu của đất khô, lúc này bạn cần tiến hành tưới nước. Ngược lại, nếu nước chảy qua kẽ tay và thành giọt thì đất quá ẩm, khi đó bạn cần dừng tưới nước và trong ngày đó cần dỡ áo mô để nước có thể bốc hơi. Hơn nữa trong mùa mưa, bạn cần phải lắp đặt mái che sau khi dỡ áo mô để ngăn mưa trực tiếp đọng lên mô nấm.

4.3 Điều chỉnh nhiệt độ

Khi kiểm tra nhiệt độ của mô nấm và thấy có dấu hiệu tăng, nếu rơm ủ thiếu nước, bạn cần sử dụng thùng vòi sen để tưới nước nhẹ nhàng cho mô nấm. Tránh sử dụng áp lực nước mạnh bởi có thể gây hại cho sợi tơ và làm suy giảm kích thước của nấm. Nếu nhiệt độ tăng mà không có tình trạng thiếu nước thì cần thay thế bằng rơm khô để giảm sức nóng và tăng khả năng thoát nhiệt.

4.4 Khi mô nấm có nhiệt độ giảm, mô bị lạnh

Trong trường hợp này bạn cần ngưng tưới nước, tháo bỏ áo mô và mái che nhằm tối ưu hóa quá trình hấp thụ năng lượng mặt trời cho mô nấm. Trong mùa mưa, bạn cần sử dụng nylon hoặc màng phủ nông nghiệp (đặt phía màu đen lên trên) giúp mô nấm giữ nhiệt độ và tăng cường nhiệt độ bên trong.

4.5 Đảo rơm áo mô

Sau khi chất mô trong khoảng 5 – 8 ngày, bạn hãy gỡ bỏ áo mô, làm khô tơ nấm bằng cách xốc nhẹ, sau đó đậy áo mô lại. Hơn nữa bạn cũng cần đảo ngược áo mô nhằm ngăn chặn tơ nấm lan rộng ra bên ngoài, từ đó đảm bảo quá trình phát triển của nấm.

Thu hoạch Nấm Rơm

Sau quá trình ủ rơm trong khoảng 10 – 14 ngày, quá trình thu hoạch nấm bắt đầu, tùy thuộc vào loại meo và phương pháp ủ. Nấm thường bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 12 – 15, và sau đó mỗi 7 – 8 ngày sẽ có đợt thu hái kéo dài trong khoảng 3 – 4 ngày, tổng cộng có thể kết thúc sau 25 – 30 ngày.

Thời điểm thu hái nấm được thực hiện mỗi ngày với lần đầu tiên vào sáng sớm trước 6 giờ và lần thứ hai vào khoảng 14 – 15 giờ chiều.

Khi chọn nấm để thu hái, bạn cần lựa chọn những cây nấm đang phát triển liên tục và có nhiều cây dính vào nhau. Ưu tiên chọn những cây nấm còn búp và có đầu hơi nhọn. Khi hái, bạn nên xoay nhẹ cây nấm để tách ra khỏi mô mà không làm tổn thương chúng. Đặc biệt cần tránh để sót chân nấm trên mô bởi khi phần chân nấm thối rữa sẽ có thể làm hại đến các nụ nấm kế bên. Sau khi thu hái xong, bạn cần đậy kỹ áo mô lại.

Thời gian thu hoạch nấm thường kéo dài trong 7 – 10 ngày và năng suất trung bình là khoảng 1,5 kg nấm tươi trên 1m liếp nấm.

Đối với nấm đã thu hái, bạn cần tiêu thụ ngay trong vòng 2 – 3 giờ. Ngoài ra, nếu muốn lưu giữ đến ngày hôm sau thì cần bảo quản chúng ở nhiệt độ từ 10 – 15°C.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 7

Bạn có thể tiến hành thu hoạch Nấm Rơm sau khoảng từ 10 – 14 ngày

Cách bảo quản Nấm Rơm

Bảo quản Nấm Rơm là một bước quan trọng để đảm bảo nấm giữ nguyên hương vị tươi ngon và bảo toàn giá trị dinh dưỡng. Bởi nếu bảo quản không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng hỏng nhanh chóng, mất mát dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi bảo quản nấm rơm:

– Bảo quản Nấm Rơm trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 10 – 15 độ C. Thông thường, khi nấm rơm được đặt trong ngăn mát tủ lạnh thì nên sử dụng trong khoảng 2 đến 3 ngày để đảm bảo tốt nhất về chất lượng. Ngoài ra, để bảo toàn hương vị và dinh dưỡng của nấm, bạn cũng nên hút chân không trước khi đặt vào tủ lạnh cũng rất hiệu quả.

– Trong trường hợp muốn sử dụng phương pháp phơi khô, bạn hãy đảm bảo rửa sạch nấm rơm và phơi nắng cho khô trước khi tiến hành sấy ở nhiệt độ khoảng 40 – 43 độ C. Nấm rơm sau khi đã phơi khô có thể được bảo quản lâu dài khoảng 6 tháng mà vẫn giữ nguyên độ tươi ngon và chất lượng.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 8

Bạn cần lưu ý một số điều khi bảo quản nấm rơm nhằm giúp giữ nấm được tươi lâu trong nhiều ngày

Công dụng của Nấm Rơm

Nấm Rơm không chỉ có tác dụng nâng cao sức khỏe mà còn hỗ trợ phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm. Dưới đây là những công dụng của loại nấm này:

– Tăng cường hệ miễn dịch: Nấm Rơm nổi bật với hàm lượng vitamin cao, từ đó giúp cho hoạt động của hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, thành phần chống oxy hóa mạnh mẽ trong nấm rơm đem lại hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do và nguy cơ nhiễm trùng, giúp quá trình lành vết thương và loét diễn ra suôn sẻ.

– Hỗ trợ hệ tim mạch: Khoáng chất kali và đồng trong Nấm Rơm không chỉ giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch mà còn ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giảm nguy cơ viêm nhiễm cho cơ quan nội tạng. Đồng thời, ăn nấm rơm có thể giảm mức cholesterol trong cơ thể, đặc biệt là nhờ hàm lượng chất đạm cao, có khả năng kiểm soát cholesterol.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 9

Nấm Rơm không chỉ ngon miệng mà còn mang lại rất nhiều giá trị tuyệt vời cho sức khỏe con người

– Phòng ngừa ung thư: Nấm Rơm được chứng minh giảm nguy cơ phát triển các loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú và tuyến tiền liệt.Axit linoleic có trong nấm rơm giúp kiểm soát hormone estrogen, từ đó giảm nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, beta-glucans trong nấm rơm có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, trong khi selen hỗ trợ giảm thiểu số lượng tế bào ung thư.

– Lợi ích đối với người bị tiểu đường: Nấm Rơm với lượng chất béo và carbohydrate thấp, đóng vai trò tích cực trong duy trì sức khỏe của gan, tuyến tụy và các tuyến nội tiết khác, đồng thời kích thích sản xuất insulin ổn định.

– Hỗ trợ tăng trưởng cơ thể: Hàm lượng chất đạm cao trong Nấm Rơm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho quá trình tăng trưởng và duy trì các chức năng cơ thể quan trọng.

– Xây dựng xương chắc khỏe: Nấm Rơm là nguồn cung cấp canxi và vitamin D lớn, hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xương. Do đó, bổ sung nấm rơm vào chế độ ăn hàng ngày sẽ hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng cho xương và giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến xương khớp.

– Ngoài ra, ăn Nấm Rơm còn có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu, làm dịu cơ thể, tăng cường trí nhớ và hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu và suy nhược cơ thể.

Có nên ăn nhiều Nấm Rơm không?

Khi đã biết về lợi ích của Nấm Rơm, nhiều người có thể tự nghĩ rằng tăng cường lượng tiêu thụ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, quan điểm này không phải lúc nào cũng chính xác. Nếu ăn quá nhiều nấm rơm hoặc ăn không đúng cách sẽ có thể gây ra những tác dụng phụ như:

– Rối loạn tiêu hóa: Tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, kèm theo các triệu chứng như đau bụng, đau quặn bụng, đi cầu phân lỏng hoặc tiêu chảy.

– Dị ứng: Mặc dù hiếm nhưng một số người có thể phản ứng dị ứng khi tiêu thụ nấm rơm, biểu hiện qua các triệu chứng như thở khò khè, nổi mề đay, khó thở, ho, sưng họng, sưng lưỡi hoặc môi, cơn hen suyễn, co thắt thanh quản, ngất xỉu, huyết áp thấp hoặc các vấn đề tiêu hóa.

– Nhiễm asen: Do nấm rơm thường được trồng trên rơm rạ tự nhiên nên có thể có nguy cơ nhiễm asen, một kim loại nặng có thể tích tụ từ môi trường xung quanh vào nấm rơm.

tiêu đề ảnh Nấm Rơm ảnh 10

Mặc dù Nấm Rơm có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều hoặc ăn không đúng cách có thể dẫn đến một số tác dụng phụ

Cách ăn Nấm Rơm đúng chuẩn

Bạn có thể có lợi từ ăn Nấm Rơm hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn nguyên liệu và quá trình chế biến. Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn sử dụng nấm rơm một cách đúng đắn:

– Chọn mua nấm tươi, chưa bung hết, có mũ đều và khi nhẹ nhàng bóp, nấm vẫn giữ được độ cứng và không mềm nhũn.

– Khi mang về nhà, bạn cần rửa sạch bụi bẩn, cắt bỏ phần gốc và ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 20 phút, sau đó rửa lại 2 lần bằng nước sạch.

– Đối với nấm khô, bạn hãy quan sát màu sắc, hình dạng và mùi trước khi mua để đảm bảo chọn được loại nấm tốt nhất. Đồng thời tránh mua nấm đã qua thời hạn sử dụng hoặc có mùi mốc.

– Trước khi chế biến nấm khô, bạn hãy ngâm trong nước muối pha loãng và đun sôi trong khoảng 5 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

– Không nên rửa nấm tươi quá mạnh để giữ nguyên dưỡng chất.

– Tránh nấu nấm trong nồi nhôm để tránh làm cho nấm chuyển sang màu đen.

– Không kết hợp nấm rơm với thực phẩm có tính hàn để tránh tình trạng đau bụng và khó chịu.

– Tránh uống rượu khi ăn nấm bởi sự kết hợp này có thể gây ngộ độc, dẫn đến co giật và nôn mửa kéo dài.

Lời kết

Nấm Rơm không chỉ mang đến hương vị thơm ngon mà còn là nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên bổ sung chúng vào chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, bạn chỉ nên duy trì lượng ăn vừa đủ.Hãy làm theo hướng dẫn của chúng tôi để có thể trồng Nấm Rơm ngay tại nhà, giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bạn và cả gia đình!

Hãy cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn để có thể phát triển nội dung tốt hơn nhé!

    Tuyệt vời

    Chúng tôi yêu những câu chuyện thành công. Nếu bạn có thêm một phút, bạn có thể chia sẻ một hoặc hai câu về việc bài viết này đã giúp bạn như thế nào không?

    Chúng tôi có thể đăng câu chuyện của bạn lên bài viết này để truyền cảm hứng cho những độc giả khác không?

    Vâng, đăng câu chuyện của tôi cho những độc giả khác xemKhông, chỉ cần gửi phản hồi của tôi một cách riêng tư tới các biên tập viên của nuoitrong

    Muốn hỗ trợ chúng tôi trong việc giúp đỡ nhiều độc giả như bạn?

    Có, tôi muốn tìm hiểu thêm về cách đóng góp cho sứ mệnh của nuoitrongKhông, không phải lúc này

      Chúng tôi xin lỗi :((

      Có chuyện gì đã xảy ra với trại nghiệm của bạn?

      Các hướng dẫn đã không làm việc.Tôi không thể làm theo hướng dẫn.Bài viết này đã không mô tả vấn đề của tôi.Đây là một chủ đề ngu ngốc.

      Đăng kí nhận thông tin mới nhất từ chuyên gia của chúng tôi